Thứ 7, 23/11/2024, 10:47[GMT+7]

Đưa nước sạch đô thị về nông thôn

Thứ 6, 16/07/2021 | 08:39:47
2,240 lượt xem
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 có 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo QC01 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, Bộ Y tế).

Thi công đường ống nước sạch tại TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: L.AN

Để thực hiện mục tiêu này, Đề án nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đưa hệ thống cấp nước sạch đô thị về nông thôn được xem là hiệu quả vì giảm áp lực đầu tư các công trình nhỏ lẻ, giảm chi phí quản lý và vận hành, đồng thời giảm khai thác nước ngầm.

Các công trình hiện hữu đạt 56% công suất

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện nay hơn 80% dân số nông thôn ở Đồng Nai được sử dụng nước sạch, nhưng thực tế trong số này chỉ có 10% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, khoảng 12% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đấu nối từ hệ thống cấp nước đô thị, 58% còn lại sử dụng nước sạch từ thiết bị lọc nước và công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, chất lượng nước không ổn định.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho biết, trên địa bàn tỉnh có 81 công trình cấp nước sạch nông thôn đầu tư bằng vốn ngân sách đang hoạt động nhưng công suất chỉ đạt 56%. Nguyên nhân là do nhiều nơi người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng khoan, giếng đào. Một số công trình cấp nước sạch nông thôn bị xuống cấp, thiết bị lọc nước không còn đảm bảo; nhiều nơi nguồn nước thô từ các giếng khoan bị cạn kiệt, thiếu nước mùa khô. Bên cạnh đó, trên lĩnh vực này, chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác kinh doanh nước sạch nông thôn. “Để đạt mục tiêu 85% dân số nông thôn được dùng nước sạch, Sở NN-PTNT đề xuất triển khai 44 công trình với tổng vốn đầu tư hơn 1,8 ngàn tỷ đồng, mở rộng các công trình cấp nước hiện hữu với tổng vốn khoảng 740 tỷ đồng, đầu tư nâng cấp thiết bị xử lý nước tại các công trình cấp nước tập trung và lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình hơn 220 tỷ đồng” - ông Trần Đình Minh chia sẻ.

Không chỉ ở các vùng nông thôn có mật độ dân cư thưa, tại nhiều đô thị vùng ven, tỷ lệ bao phủ nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị còn thấp. Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước đô thị còn rất thấp, khoảng 6,5%. Nguyên nhân là do phần lớn các khu phố chưa được đầu tư đường ống nước sạch.

Theo ông Cường, P.Tam Phước có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư tập trung đông, có khu và cụm công nghiệp đang hoạt động nên nhu cầu nước sạch rất lớn. Nhiều năm qua, các mỏ khai thác đá trên địa bàn phường hoạt động đã làm suy giảm nguồn nước ngầm nên nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân càng trở nên bức thiết. “UBND phường đã nhiều lần mời Công ty CP Cấp nước Đồng Nai về khảo sát thực tế để nhanh chóng đầu tư công trình nhưng họ trả lời không có vốn để đầu tư dàn trải và có kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho phường từ năm 2022-2025” - ông Cường chia sẻ.

Đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước đô thị

Để đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn, những năm qua tỉnh đã đầu tư gần 100 công trình, trạm cấp nước tập trung tại các xã. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả khai thác của các công trình chưa cao.

Người dân nông thôn H.Trảng Bom mua nước sạch từ Trung tâm Dịch vụ hạ tầng công ích huyện

Đề án nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 đưa ra nhiều giải pháp như: đầu tư thêm các công trình cấp nước sạch nông thôn, nâng cấp các công trình hiện hữu, hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình và kêu gọi doanh nghiệp kinh doanh nước sạch đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước từ hệ thống cấp nước sạch đô thị về vùng nông thôn. Trong đó, giải pháp đưa nước sạch sinh hoạt từ đô thị về nông thôn được khuyến khích bởi giảm áp lực đầu tư các công trình nhỏ, giảm tình trạng khai thác nước ngầm, quản lý được chất lượng nguồn nước.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Phạm Việt Phương cho rằng, hệ thống nước ngầm nhiều nơi bị sụt giảm không đảm bảo cho khai thác giếng khoan, nước mặt tại các hồ chứa ngày càng giảm và gia tăng ô nhiễm, do đó, giải pháp mở rộng phạm vi cấp nước từ hệ thống cấp nước đô thị ra các khu vực chưa có nước sạch là hiệu quả.

Ông Lương Hữu Ích, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho rằng, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 đã tính toán nhu cầu cấp nước sạch của huyện vào năm 2025 khoảng 225 ngàn m3/ngày đêm. Với công suất cấp nước hiện nay là 130 ngàn m3/ngày đêm, chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại ở khu vực trung tâm huyện, chưa đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho người dân nông thôn và trong tương lai.

Giải pháp H.Nhơn Trạch đưa ra là mở rộng mạng lưới cấp nước thiết kế theo mạng lưới vòng với tổng chiều dài dự kiến khoảng 223km, trong đó các tuyến đường ống trục chính khoảng 60km. Trạm bơm tăng áp công suất 140 ngàn m3/ngày đêm và các trạm bơm cấp II bơm nước trực tiếp vào mạng lưới này đưa đến các khu đô thị, khu dân cư tập trung, từng hộ gia đình. Riêng Khu công nghiệp Ông Kèo nằm ở cuối mạng lưới nên phải đầu tư trạm bơm tăng áp cục bộ.

Tại buổi họp về xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 vào tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, Sở NN-PTNT cần phối hợp với các địa phương rà soát lại hiện trạng các công trình nước sạch và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác nước sạch. Các công trình nước sạch nông thôn sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước hồ không ổn định về nguồn nước, chất lượng nước đề xuất ngưng hoạt động để giảm chi phí vận hành.

Đối với phương án đầu tư công trình mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, cần ưu tiên đấu nối, mở rộng phạm vi cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch quy mô lớn và hạn chế đầu tư các công trình nhỏ lẻ, công trình khai thác nước ngầm và nước hồ.

Theo baomoi.com

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày