Thứ 7, 09/11/2024, 22:35[GMT+7]

Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin

Thứ 6, 08/07/2022 | 10:28:08
1,117 lượt xem
Sau 2 năm tích cực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, thành phố Đà Nẵng tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong 6 tháng qua, lĩnh vực thông tin và truyền thông duy trì đà tăng trưởng cao, là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào tăng trưởng chung của thành phố.

Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng.

Mức tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7.584 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu phần mềm ước đạt 55 triệu USD, tăng 30%. Tỷ trọng đóng góp vào mức tăng chung của ngành thông tin và truyền thông thành phố Đà Nẵng đạt 14,28%, là ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp I.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong năm 2021, Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng quan trọng như: Giải thưởng Thành phố thông minh năm thứ 2 liên tiếp; Giải thưởng Chuyển đổi số xuất sắc; đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính; đứng thứ 4 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đặc biệt, 12 năm liên tiếp thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là những kết quả quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng khi đầu tư tại thành phố.

Tập đoàn Vector Fabrication (Hoa Kỳ) đang triển khai dự án nhà máy sản xuất bảng mạch điện tử tại Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, có quy mô 40.000m2 gồm 2 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư 60 triệu USD. Ông Lương Văn Quang, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vector Fabrication nhận định: Đà Nẵng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Cơ sở hạ tầng của thành phố đã sẵn sàng, vận tải cảng biển hỗ trợ tại khu công nghiệp cũng đang phát triển mạnh. Các cơ sở đào tạo nhân lực ở chuyên môn cao, các trường đại học tại thành phố cũng đã triển khai nghiên cứu sâu ở những lĩnh vực liên quan đến ngành nghề sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin. Đặc biệt, nhờ sự hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình về hồ sơ, thủ tục từ các cơ quan quản lý của thành phố Đà Nẵng nên các doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương và triển khai đầu tư nhanh chóng.

Sẵn sàng trở thành thủ phủ phần mềm

Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có các góp ý, kiến nghị thiết thực, với mong muốn xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết: Hiện nay, thị trường phần mềm thế giới tiếp tục tăng trưởng cao, trung bình 11,3%/năm, đạt 608,7 tỷ USD năm 2022. Với những lợi thế riêng, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng tận dụng cơ hội để phát triển trở thành thủ phủ công nghiệp phần mềm, game và trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ cao. Sau hai thập kỷ kiến tạo, thành phố đang sở hữu nhiều điều kiện tốt về chính sách, lực lượng lao động, vị trí và hạ tầng đô thị để có thể bứt phá chinh phục các mục tiêu kinh tế số đến năm 2025, trở thành một thành phố trung tâm trí tuệ của miền Trung và thành công như Singapore.

Chú thích ảnhKhu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng đang được khẩn trương hoàn thiện để sớm đưa vào vận hành.

Còn ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp linh kiện xe hơi tại Đà Nẵng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cho rằng, để đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế công nghệ thông tin, Đà Nẵng cần tiếp tục cải thiện một số vấn đề về cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực dài hạn, ngoài việc trang bị kỹ năng cơ bản của học sinh tại các trường phổ thông, cần đi kèm những chương trình đào tạo về quy trình và giao thức để các em có thể gặp gỡ, học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, các tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế. Đồng thời, cần có kế hoạch đảm bảo nhân lực ngắn hạn, có những chính sách hấp dẫn, ưu đãi về thuế để thu hút nhân tài trong nước và quốc tế đến làm việc tại thành phố. Cuối cùng, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đúng thời hạn công trình Khu Công viên phần mềm số 2, đây là nguyện vọng cấp thiết của nhiều công ty công nghệ thông tin tại thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất là một trong những nút thắt lớn mà các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố đã phải đối mặt. Thời gian tới, thành phố sẽ sớm ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào thành phố đến năm 2030; tăng cường tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp. Thành phố cũng sớm xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo địa phương, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong việc thu hút lao động lành nghề, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn mà doanh nghiệp cần; đồng thời, đề ra chính sách thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, chuyên sâu đến làm việc tại thành phố. Đặc biệt, Đà Nẵng đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hình thành Trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên cơ sở Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.

Theo baotintuc.vn