Chủ nhật, 10/11/2024, 09:29[GMT+7]

Hạ nhiệt khủng hoảng lương thực toàn cầu

Thứ 6, 15/07/2022 | 08:49:18
776 lượt xem
Một loạt các khoản viện trợ trị giá hàng tỷ USD vừa được công bố nhằm ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tạo điều kiện cho xuất khẩu an toàn các sản phẩm lương thực là nhiệm vụ cấp bách lúc này, nhằm hạ nhiệt "cơn sốt giá" và bảo đảm nguồn cung lương thực tới hàng triệu người có nguy cơ đối mặt nạn đói nghiêm trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 6 vừa qua giảm so với mức tháng 5, tuy nhiên vẫn tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2021. FAO lý giải, giá lương thực duy trì ở mức cao là do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, cùng với lo ngại về thời tiết bất lợi, trong khi nhu cầu toàn cầu cũng như chi phí sản xuất và vận chuyển ở mức cao.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cảnh báo, giá lương thực cao cản trở nghiêm trọng các nỗ lực hỗ trợ hàng triệu người đang cần viện trợ nhân đạo. WFP nêu rõ, khẩu phần lương thực của 75% số người tị nạn ở Ðông Phi nhận từ cơ quan này đã giảm tới 50%, trong đó các nước Ethiopia, Kenya, Nam Sudan và Uganda chịu ảnh hưởng nặng nhất. Hơn 67% dân số Nam Sudan, khoảng 8,3 triệu người, đang cần viện trợ khẩn cấp và có nguy cơ lâm vào tình trạng đói nghiêm trọng.

Nhằm góp phần giải quyết bài toán cấp bách về lương thực, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết cung cấp 5 tỷ USD cho nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó, 2,76 tỷ USD là khoản viện trợ mà Mỹ cam kết để hỗ trợ vận chuyển lương thực tới hơn 47 quốc gia và các tổ chức khu vực. Trong số này, khoảng 2 tỷ USD được sử dụng để cung cấp lương thực trực tiếp, phần còn lại được dành cho viện trợ ngắn hạn và trung hạn một cách bền vững.

Canada cũng công bố khoản viện trợ mới trị giá 250 triệu CAD dành cho WFP, trong bối cảnh Ottawa đang thúc đẩy sự đồng thuận của các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Nhật Bản cũng thông báo chi tiết khoản viện trợ gần 200 triệu USD nhằm hỗ trợ lương thực và tăng cường năng lực sản xuất cho các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu.

Ukraine được coi là vựa lúa mì ở châu Âu và là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lương thực qua đường biển từ Ukraine thời gian qua tắc nghẽn, làm trầm trọng hơn nguy cơ khủng hoảng lương thực. Do đó, tìm giải pháp mở lại các cảng của Ukraine trên Biển Ðen là vấn đề được Liên hợp quốc và các nước tập trung ưu tiên tháo gỡ lúc này.

Các phái đoàn của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cùng các quan chức Liên hợp quốc ngày 13/7 đã đàm phán về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Ðen. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) xác nhận, các bên đã đạt bước tiến lớn và quan trọng trong đàm phán.

Nhiều nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm cung cấp tuyến đường vận chuyển an toàn cho việc phân phối lương thực và năng lượng từ Nga và Ukraine. Các thành viên G20 cũng cam kết thăm dò khả năng hợp tác sâu hơn nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, trong đó có hợp tác thông qua hệ thống Liên hợp quốc, hoặc các tổ chức quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, việc các bên đạt được những tiến bộ nhằm bảo đảm xuất khẩu an toàn các sản phẩm lương thực của Ukraine thông qua Biển Ðen đem đến hy vọng giảm bớt nguy cơ nạn đói trên khắp thế giới. Ðây cũng là cơ hội để tăng cường hỗ trợ các nước và những người dễ bị tổn thương nhất, góp phần giúp ổn định hệ thống lương thực toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày