Thứ 4, 13/11/2024, 06:47[GMT+7]

Cuộc chiến trừng phạt Nga-EU leo thang

Thứ 2, 08/08/2022 | 20:37:32
855 lượt xem
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh cấm các nhà đầu tư từ những “quốc gia không thân thiện” bán cổ phần trong một số doanh nghiệp chiến lược và ngân hàng cho đến cuối năm nay. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một loạt lệnh trừng phạt tăng cường nhằm vào Nga, theo đó “cuộc chiến trừng phạt” giữa hai bên không ngừng leo thang.

Dự án Sakhalin 2 ở vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: Shell/TTXVN

Theo Reuters, lệnh cấm nêu trên có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng đối với hoạt động khai thác dầu khí trong dự án Sakhalin-1 tại vùng Viễn Đông của Nga. Lệnh cấm cũng ngăn chặn các nhà đầu tư từ các “quốc gia không thân thiện” bán cổ phần trong các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 và khai thác mỏ dầu Kharyaga, cũng như trong các ngân hàng của Nga, cùng các tài sản khác. 

Trước khi đưa ra lệnh cấm này, phía Nga đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nước châu Âu. Nga thông báo trục xuất 14 nhân viên làm việc tại Lãnh sự quán và Đại sứ quán Bulgaria tại nước này. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định động thái nêu trên là nhằm đáp trả quyết định “vô cớ” của Sofia trong việc trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga.

Không chỉ nhằm vào các quốc gia EU, Bộ Ngoại giao Nga đưa thêm 39 chính trị gia, doanh nhân và nhà báo Anh vào danh sách công dân bị Moskva trừng phạt. Trong số những người trong danh sách có cả cựu Thủ tướng Anh David Cameron. Ngoài ra, Văn phòng Tổng công tố Nga cũng tuyên bố Quỹ Calvert 22, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại London (Anh), là tổ chức “không được hoan nghênh”. Ngoài ra, Moskva đã công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với 62 công dân Canada để đáp trả việc Ottawa mở rộng các biện pháp trừng phạt riêng mới nhất chống lại Nga. 

Ở chiều ngược lại, một loạt lệnh trừng phạt cũng đã được các nước châu Âu áp đặt với Nga trong những ngày gần đây. Chính phủ Thụy Sĩ thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu liên quan lệnh cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển vàng và các sản phẩm vàng từ Nga. Thụy Sĩ cũng thông báo đã đóng băng tài sản của ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank, cũng như cấm ngân hàng này cung cấp vốn, nguồn lực kinh tế hoặc dịch vụ kỹ thuật. 

Trước đó, các nước thành viên EU đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng Sberbank. EU cũng bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vào “danh sách đen”. Đồng thời, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt mà khối này áp dụng với Nga kể từ năm 2014 thêm sáu tháng. Cho đến nay, EU đã thông qua sáu vòng trừng phạt đối với Nga. Thống kê cho thấy có tổng cộng 98 doanh nghiệp Nga và 1.158 cá nhân Nga đã bị “đóng băng” tài sản và bị cấm nhập cảnh vào EU.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga, tuy nhiên chính EU cũng lâm cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Một báo cáo dài 118 trang của các chuyên gia kinh doanh và nhà kinh tế từ Đại học Yale của Mỹ vừa công bố cho thấy nền kinh tế Nga đã bị tổn hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt. Mặc dù Moskva có thể thu về hàng tỷ USD từ việc bán năng lượng với giá cao, nhưng nhiều hoạt động kinh tế trong nước của Nga đã bị đình trệ. Theo ước tính của các nhà kinh tế, nền kinh tế Nga đang trên đà giảm hơn 10% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt Moskva ước tính sẽ làm EU thiệt hại 400 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, không chỉ Nga, EU phải “trả giá” cho những lệnh trừng phạt khắc nghiệt lẫn nhau, nhiều nước trên thế giới cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine cũng như “cuộc chiến trừng phạt” giữa Nga với EU và phương Tây. Hãng tin Sputnik dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga nhận định rằng, “kỷ nguyên hợp tác” giữa Nga với phương Tây đã “kết thúc một cách không thể đảo ngược”. Trong bối cảnh này, quan hệ Nga-phương Tây chưa thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày