Thứ 4, 13/11/2024, 06:45[GMT+7]

Chung tay đối phó làn sóng di cư

Chủ nhật, 04/09/2022 | 12:45:11
1,027 lượt xem
Các quốc gia châu Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác để tìm kiếm những người di cư bị mất tích, giữa lúc làn sóng di cư trái phép ngày càng dâng cao và đe dọa an ninh khu vực. Một lộ trình thống nhất, toàn diện, có sự phối hợp hành động giữa các nước sẽ góp phần giải quyết nạn di cư, vốn là “căn bệnh trầm kha” của châu lục.

Ảnh minh họa

Tại một diễn đàn bàn về vấn đề di cư được tổ chức ở Panama, Mexico cùng các quốc gia Trung Mỹ như Costa Rica, El Salvador, Honduras, Guatemala... đã nhất trí tăng cường hợp tác về hoạt động tìm kiếm người di cư bị mất tích, nhận dạng hài cốt, tiếp cận công lý cho nạn nhân và người thân. Các nước cũng thúc đẩy việc tuân thủ khuyến nghị của Liên hợp quốc về tiếp cận công lý trong những trường hợp người di cư bị mất tích và tử vong. Lâu nay, Trung Mỹ và Mexico được biết đến là điểm nóng trên bản đồ di cư toàn cầu, khi chứng kiến làn sóng người di cư trái phép ồ ạt lên đường tìm kiếm “giấc mơ Mỹ”. 

Tại Mexico, cảnh tượng các đoàn lữ hành gồm hàng trăm người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ, đi bộ từ miền nam đến biên giới phía bắc giáp Mỹ, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn lương thực và thuốc men là hình ảnh thường trực. Mới đây, một nhóm gần 1.000 người di cư đã khởi hành từ thành phố Tapachula ở bang Chiapas của Mexico để tìm đến Mỹ. Kể từ đầu năm tài chính 2022 (bắt đầu vào tháng 10/2021) đến nay, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) chặn hơn 1,7 triệu lượt người di cư. Còn ở phía bên kia biên giới, trong năm 2021, Ủy ban Hỗ trợ người tị nạn của Mexico nhận được 131.448 đơn xin tị nạn, đánh dấu số lượng đơn xin tị nạn cao nhất từ trước đến nay. 

Làn sóng người di cư trái phép gia tăng cũng tạo điều kiện cho các băng nhóm tội phạm buôn người hoạt động. Nhà chức trách Mexico cho biết, từ năm 2018 đến tháng 8/2022, nước này đã giải cứu gần 77.500 người di cư nước ngoài, đều là nạn nhân của các băng nhóm buôn người. Hiện nay do quy định hạn chế đi lại nhằm kiềm chế dịch Covid-19 ở một số nước chưa được dỡ bỏ hoàn toàn, nên người di cư, vốn đã không có nhiều chọn lựa, đành chấp nhận đi theo các tuyến đường đầy rẫy nguy hiểm, rủi ro. 

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch về người di cư, mà vụ ít nhất tám người chết đuối sau khi tìm cách vượt sông Rio Grande từ Mexico để vào Mỹ xảy ra ngày 2/9 vừa qua là một thí dụ. Đáng buồn là, cho dù khoảng cách giữa giấc mơ Mỹ và thảm kịch di cư có mong manh đến nhường nào thì nhiều người vẫn chấp nhận đánh cược tính mạng mình để tìm đến “miền đất hứa”. 

Là những điểm đến chính của dòng người di cư Trung Mỹ, Mexico và Mỹ từ lâu đã chia sẻ chung trách nhiệm giải bài toán di cư hóc búa này. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador có chuyến công du Mỹ, với trọng tâm thúc đẩy các biện pháp phối hợp hành động liên quan cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiện đại hóa các điểm nhập cảnh ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico, qua đó giúp đẩy nhanh việc đi lại. 

Đồng thời, phía Mexico đề nghị Mỹ cấp thị thực làm việc tạm thời cho người di cư. Để giữ chân người dân các nước Trung Mỹ ở lại quê hương, Mỹ và Mexico từng triển khai một số chương trình phúc lợi xã hội như trồng rừng, cấp học bổng dạy nghề cho giới trẻ... tại khu vực này. Về phía mình, các quốc gia Trung Mỹ cũng thúc đẩy hợp tác để truy quét tội phạm buôn lậu và buôn người trên quy mô lớn.

Tác động từ dịch bệnh, nghèo đói, bạo lực và thiên tai là nguyên nhân khiến làn sóng di cư trái phép ngày càng gia tăng ở châu Mỹ. Thực tế đã chứng minh rằng, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư không thể đến từ những bức tường bê-tông kiên cố hay hàng rào dây thép gai sắc nhọn, mà phải đến từ các chính sách toàn diện, xử lý gốc rễ nguyên nhân của làn sóng di cư. Cuộc khủng hoảng di cư được dự báo sẽ còn kéo dài và cần nhiều nguồn lực cùng sự phối hợp, thống nhất hành động của cộng đồng quốc tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày