Thứ 4, 20/11/2024, 06:14[GMT+7]

Chào mừng năm học mới Quyết tâm giữ vững và nâng cao kết quả giáo dục và đào tạo trong năm học 2022 - 2023

Thứ 2, 05/09/2022 | 07:09:14
3,209 lượt xem
Hôm nay, ngày 5/9, năm học 2022 - 2023 chính thức bắt đầu. Cùng với sự háo hức của hơn 400.000 học sinh được trở lại trường sau thời gian nghỉ hè là sự chăm lo, chuẩn bị chu đáo các điều kiện học tập của gia đình, thầy cô, ngành giáo dục và các địa phương. Tất cả đã sẵn sàng cho một năm học mới với khí thế mới, niềm tin mới và thành công mới. Phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022 - 2023.

Ngày 5/9, các trường trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, đến thời điểm này, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ nhà giáo đã được toàn ngành đầu tư, trang bị, bổ sung như thế nào để đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2022 - 2023?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học mới này, toàn tỉnh có 742 cơ sở giáo dục của các cấp học: mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên với hơn 12.300 lớp và hơn 415.000 học sinh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường: 94 trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống và 260 trung tâm học tập cộng đồng. Để chuẩn bị cho năm học mới, trong năm 2022, nguồn ngân sách sự nghiệp cấp tỉnh đã bố trí 158 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công 64 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ 81 tỷ đồng cho các cơ sở giáo dục để sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trường học. Tổng diện tích đất cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là 6.196.225m2 với 10.894 phòng học, 2.011 phòng học bộ môn, 4.225 phòng hành chính quản trị, 2.850 khối phụ trợ, trong đó phòng học kiên cố chiếm tỷ lệ cao và xu hướng tăng. Đồng thời, trong năm học vừa qua, đầu tư từ nguồn ngân sách cấp huyện, xã và nguồn xã hội hóa cho ngành giáo dục được 464 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng 567 phòng học, phòng chức năng... và xây mới được 52 công trình vệ sinh hợp quy cách.

Về đội ngũ, hiện toàn ngành có gần 25.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Trong đó, 84,70% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; 22,88% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn; 100% cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý. Vừa qua, ngành đã tuyển dụng bổ sung được 374 giáo viên. Để bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, ngành giáo dục luôn coi trọng, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới, tất cả giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông đều được bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm học 2022 - 2023 toàn ngành sẽ tập trung thực hiện giải pháp gì để giữ vững và nâng cao những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Thái Bình tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành. Đồng thời, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới; thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tích cực thực hiện hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông trong giáo dục.

Phóng viên: Năm học 2022 - 2023 là năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo lộ trình sẽ thực hiện ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào để triển khai thực hiện tốt chương trình ở những khối lớp này, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình GDPT mới được thực hiện đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới ở cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT. Ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị chu đáo trong công tác truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm thống nhất nhận thức về quan điểm đổi mới chương trình, phương pháp dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nhất là đối với việc triển khai ở lớp 10 THPT. Đồng thời, ngành đã hoàn thành biên soạn, dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10; triển khai việc lựa chọn, đề xuất sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục... Bên cạnh đó, các địa phương, các cơ sở giáo dục đã tích cực chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ chương trình GDPT 2018, nhất là các môn học mới như: Âm nhạc lớp 10, Mỹ thuật lớp 10; các môn học bắt buộc là Tin học và Công nghệ lớp 3 và Tiếng Anh lớp 3. Đến thời điểm hiện tại, công tác tập huấn chương trình, tập huấn sử dụng sách giáo khoa đã hoàn tất; về cơ bản sách giáo khoa đã đến tay học sinh; tất cả các trường đã sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập trong bối cảnh sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19; thực hiện việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên còn thiếu trong biên chế được giao, bố trí, sử dụng linh hoạt đội ngũ giáo viên và ưu tiên giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018; tham mưu và tổ chức thực hiện việc tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, bảo đảm hệ điều kiện cho việc củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đặng Anh
(thực hiện)