Thứ 7, 09/11/2024, 22:26[GMT+7]

Quảng Ninh: Chung sức xây những miền quê đáng sống

Thứ 2, 26/09/2022 | 11:47:49
610 lượt xem
Góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia hoàn thành từng tiêu chí khó. Thành quả đạt được là những miền quê đáng sống trong lành văn minh, là sự ghi nhận, hài lòng của người dân nông thôn.

Cầu dân sinh ở xóm Trại Mít (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà) hoàn thành tháng 7/2022 do Hội CCB tỉnh đóng góp kinh phí xây dựng.

Gỡ những tiêu chí khó

Trại Mít là xóm dân cư nhỏ, 100% đồng bào người Dao, nằm ở nơi hẻo lánh nhất của thôn 5 (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà). Từ xóm này chỉ có một con đường độc đạo dẫn qua một đập tràn vượt suối để đến trung tâm xã. Theo lời kể của ông Tằng Chăn Hợp, một người cao tuổi trong xóm, năm nào cũng vậy, chỉ cần trời đổ mưa to, đập tràn sẽ bị chìm sâu trong dòng nước siết. Khi đó cả xóm bị cô lập đến vài ngày, khiến đời sống của người dân xáo trộn.

Có lần phải hơn 1 tuần nước mới rút, nhiều người phải đi bộ vượt núi hoặc liều lĩnh bơi qua dòng nước cuồn cuộn để đi làm, đi chợ. Nguồn thu nhập của gia đình ông Hợp chủ yếu trông chờ vào trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm đem bán tại chợ trung tâm xã hằng ngày. Vì vậy việc nước suối dâng cao, cắt đứt giao thông luôn khiến ông lo lắng.

“Bài toán giao thông khó nhất” của xóm Trại Mít cuối cùng cũng có được lời giải. Tháng 7/2022, Hội CCB tỉnh phối hợp với UBND huyện Hải Hà khánh thành cây cầu bắc ngang dòng suối, thay thế cho đập tràn; kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó hơn 1,7 tỷ đồng do cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh đóng góp.

Đứng trên cây cầu bê tông cao hơn 5m so với mặt suối, nhìn sang hai bên đường dẫn lên cầu được đầu tư nâng cấp toàn bộ, ông Tằng Chăn Hợp không giấu nổi niềm vui, xúc động. Vị già làng người Dao vui vì con cháu trong xóm có đường đi học an toàn, người dân đi làm thuận lợi, nỗi lo thiên tai đã bị đẩy lùi; hơn cả là mang đến nguồn sinh lực mới cho vùng quê nghèo.

Phát triển hạ tầng giao thông trong xây dựng NTM cần nguồn lực đầu tư lớn, còn thực hiện tiêu chí môi trường, khó khăn chủ yếu đến từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt, tập quán lao động lạc hậu, ý thức của mỗi người dân. Để gỡ “nút thắt” này, những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, mô hình “Biến rác thành tiền”... Trọng tâm trong năm nay là nhân rộng mô hình "Ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh", gắn với phân loại rác tại nguồn, nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường do một phần đã được tái chế thành phân bón cây trồng, một phần được giữ lại để bán phế liệu.

MTTQ và các tổ chức - chính trị huyện Đầm Hà trao tặng nắp hố ủ rác hữu cơ cho nhân dân xã Quảng An, tháng 5/2022. 

“Ngày trước, nhiều người chưa có ý thức giữ gìn môi trường sống, có thói quen vứt rác tùy tiện; nhà cửa, sân vườn thiếu gọn gàng, nguy cơ gây nhiều dịch bệnh. Đến nay thì ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã nâng lên đáng kể nhờ có vai trò nòng cốt thực hiện của hội viên phụ nữ. Những tuyến đường hoa được hình thành thay cho những bờ bụi rậm rạp; những hố ủ rác được xây tại vườn nhà để giảm rác thải sinh hoạt, đảm bảo sạch từ nhà ra ngõ...” - Chị Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng An (huyện Đầm Hà), cho biết. Đó cũng là những điều chúng tôi thấy được khi cùng chị Tám đến thực tế tại một số gia đình trong xã.

Để việc phân loại, ủ rác hữu cơ được thực hiện đúng cách, hiệu quả, xã Quảng An phối hợp với Hội LHPN huyện thành lập CLB xử lý rác hữu cơ thành phân vi sinh tại hộ gia đình, do hội viên phụ nữ làm nòng cốt. Các gia đình được tặng nắp hố ủ rác đạt tiêu chuẩn; có chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cùng cán bộ Hội Phụ nữ đến trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật xây hố ủ, sử dụng chế phẩm vi sinh...

Nguồn lực lớn từ nhân dân

Góp phần chung tay xây dựng NTM, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội là chú trọng các hoạt động, phong trào vừa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, phù hợp với thực tế từng địa phương, vừa phát huy được năng lực, lợi thế của đoàn viên, hội viên. Các cấp hội CCB tham gia cải tạo, nâng cấp đường giao thông, thắp sáng đường quê, phục vụ đi lại thuận lợi, an toàn cho người dân. Các cấp hội phụ nữ nổi bật trong công tác vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh. Hội Nông dân khuyến khích hội viên phát triển liên kết sản xuất, ứng dụng KHKT, chuyển đổi số. Đoàn Thanh niên với các đợt cao điểm tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng các công trình chỉnh trang cảnh quan nông thôn, nâng cấp sân chơi cho trẻ em, xây dựng tủ sách ở vùng cao. Các tổ chức Công đoàn đóng vai trò nhịp cầu hỗ trợ, tư vấn tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động khu vực nông thôn...

Thị Đoàn Quảng Yên thực hiện công trình sân chơi dành cho thanh thiếu nhi - Công trình chào mừng đại hội đoàn các cấp nhiệm kỳ 2022-2027. 

Điểm chung của các phong trào, hoạt động là từ nòng cốt, đi đầu của đoàn viên, hội viên sẽ lan tỏa, tạo sự chuyển biến từ hành động đến nhận thức của cả cộng đồng dân cư. Vai trò chủ thể của nhân dân được phát huy, đúng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Sức mạnh từ đóng góp kinh phí, trí tuệ, sức lao động của nhân dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM, gắn với mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách vùng miền.

Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Quảng Sơn (huyện Hải Hà), chúng tôi gặp ông Phùn Quay Nàm (SN 1954) là người uy tín tiêu biểu của bản Mố Kiệc. Ông bảo, hết sức tự hào, vui mừng trước sự đổi mới của bản, của xã những năm gần đây. Từ định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể đã khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết tâm vươn lên cho người dân địa phương. Bà con thay vì chỉ quanh quẩn làm ruộng, chặt củi, tìm vỏ chay trên rừng để có thu nhập, nay đã có những mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả; làm công nhân trong khu công nghiệp với mức thu nhập khá. Có đường giao thông thuận tiện, nhiều hộ mạnh dạn mở cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, mua ô tô chuyên chở nông sản, xây sửa nhà ở khang trang...

Tuyến đường NTM xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà). 


Đến hết năm 2021, Quảng Ninh có 9/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM; 98/98 xã đạt chuẩn NTM và 48/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 22/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Như vậy, hiện Quảng Ninh cần 4 địa phương cấp huyện còn lại là Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu và Vân Đồn đạt chuẩn NTM; cần 2 địa phương cấp huyện là Đầm Hà, Tiên Yên đạt chuẩn NTM nâng cao; cần thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và cần thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Qua đó đảm bảo các điều kiện: 100% xã, huyện trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM, 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao.



Theo baoquangninh.com.vn