Thứ 5, 14/11/2024, 11:17[GMT+7]

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người khuyết tật

Thứ 5, 28/12/2023 | 21:36:21
6,243 lượt xem
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội cho người khuyết tật (NKT), thời gian qua, các đơn vị, địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho NKT, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NKT, giúp họ ổn định cuộc sống vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Hội Phụ nữ, Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm người khuyết tật tham gia giao thông an toàn.

Không may bị mất một cánh tay trong quá trình lao động, do nhu cầu công việc, anh Trương Đức Lộc, xã Thái Hưng (Thái Thụy) có nguyện vọng xin cấp giấy phép lái xe hạng A1 để điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho NKT. Những vướng mắc về thủ tục pháp lý của anh Lộc đã được cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tận tình giải đáp, hướng dẫn qua buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho NKT vừa được tổ chức. 

Anh Lộc chia sẻ: NKT chúng tôi không chỉ được phổ biến những kiến thức về Luật Giao thông đường bộ mà còn được tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới với NKT, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại NKT, phụ nữ và trẻ em... Đây là việc làm rất cần thiết để bảo vệ những đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội, đồng thời giúp NKT trang bị thêm kiến thức pháp luật để tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 124.000 NKT. Việc chăm sóc, bảo đảm chế độ, quyền lợi cho NKT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp. 

Bà Bùi Thị Nga, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết: Cùng với thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NKT, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, cấp phát xe lăn, xe lắc, sửa chữa và xây mới nhà tình thương cho hộ nghèo có NKT, hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT… với số tiền hàng tỷ đồng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền pháp luật, triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT được Hội tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Người khuyết tật, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, các văn bản liên quan đến NKT, các chính sách trợ giúp NKT, quyền và trách nhiệm của NKT, gia đình và bản thân NKT, tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, chống phân biệt đối xử đối với NKT là phụ nữ, trẻ em, người già... 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền Luật Người khuyết tật, các huyện, thành phố đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính sách trợ giúp cho NKT (bình quân tuyên truyền trên 1.300 lượt với hơn 3.500 tin, bài viết) và được lồng ghép qua các buổi sinh hoạt nhân kỷ niệm ngày NKT Việt Nam (18/4), ngày NKT thế giới (3/12) và các buổi nói chuyện chuyên đề cho NKT thu hút trên 6.000 lượt người tham dự/năm.

 Người khuyết tật tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp cho biết: Trong năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý 58 vụ việc cho NKT; trong đó, hoạt động tham gia tố tụng 38 vụ, tư vấn pháp luật cho 20 vụ việc. Trung tâm đã phối hợp với Hội NKT tỉnh, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hơn 1.000 NKT trên địa bàn. Cùng với đó, chính sách pháp luật cũng được phổ biến đến NKT thông qua các phương tiện truyền thông, tờ gấp, phiên dịch viên, hình ảnh trực quan, băng ghi âm… Danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm được cung cấp tới các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, UBND các xã, phường, thị trấn, Hội NKT tỉnh… để  trợ giúp pháp lý cho NKT các vụ việc liên quan đến pháp luật. Nhờ đó, giúp NKT nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến NKT.

Việc thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn tỉnh đã tạo sự đồng thuận và chuyển biến mới trong nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội. Từ đó, giúp NKT hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của mình, xoá bỏ mặc cảm, tự ti, phát huy tính năng động, vươn lên trong cuộc sống, tích cực học tập và lao động sản xuất, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trịnh Cường