Thứ 6, 15/11/2024, 08:31[GMT+7]

Cần chấm dứt tình trạng tận diệt thủy sản trên sông bằng kích điện

Thứ 5, 29/02/2024 | 08:51:17
11,929 lượt xem
Hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản đã bị pháp luật nghiêm cấm vì làm sụt giảm và suy kiệt nguồn lợi thủy hải sản cả trước mắt và lâu dài, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Tuy nhiên không khó để bắt gặp cảnh thuyền kích cá chạy trên sông Trà Lý, sông Hồng và các con sông khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình cả ngày lẫn đêm gây bức xúc cho những người dân sinh hoạt và vui chơi giải trí hai bên bờ sông.

Kích cá trên sông Trà Lý khu vực cầu Hòa Bình, huyện Vũ Thư. Ảnh chụp ngày 15/12/2023.

Đánh cá bằng xung điện hay còn gọi là chích điện, chích cá hay kích cá là hoạt động đánh bắt thủy sản thông qua việc sử dụng xung điện gây giật và sốc điện, làm cá trong phạm vi ảnh hưởng bị tê liệt hoặc chết hàng loạt để có thể đánh bắt dễ dàng. Dòng điện một chiều có điện áp 12-48 Volt từ ắc quy, pin lithium hoặc máy nổ đặt trên thuyền được đưa qua thiết bị kích điện để nâng điện áp lên hàng trăm Volt, sau đó thả dây dẫn xuống đáy sông làm tôm cá bị giật tê liệt, chết, cùng với đó lưới kéo được thả sát đáy để thu hoạch.

Thuyền kích đi sát bè cá trên sông Hồng, địa phận xã Độc Lập, huyện Hưng Hà. (Ảnh chụp ngày 28/01/2024).

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, pin lithium có dòng xả cao hơn, kéo dài hơn ắc quy truyền thống; kích điện có xung phát ra dài hơn do các linh kiện hiện đại làm cho công suất phát điện ngày càng cao, phạm vi thủy sản bị đánh bắt càng lớn hơn.

Việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản gây ra nhiều hậu quả, tác hại như: Làm chết hàng loạt các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng nước; những thủy sản bị nhiễm điện còn sống sót sẽ không phát triển được và mất luôn khả năng sinh sản, trứng và ấu trùng cũng bị hủy diệt hoàn toàn. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác theo kiểu “tận diệt” các nguồn lợi thủy sản, để lại nhiều hậu quả. Phải mất nhiều năm mới phục hồi môi trường thủy sinh. Ngoài ra, còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng con người. 

Thuyền kích trên sông Hồng gần bè cá Hùng Vương, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương. (Ảnh chụp ngày 15/12/2023).

Căn cứ Điều 28 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì hành vi kích cá sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 50.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu công cụ. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý phạt tiền ở mức cao hơn, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm về tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Với thực trạng nêu trên, kính mong các cơ quan chức năng có biện pháp tuyên truyền cũng như xử lý các trường hợp đánh bắt cá bằng xung điện để bảo vệ môi trường sông nước.

Nguyễn Dũng Anh

(Thành phố Thái Bình)

Bùi văn Tiệp - 7 tháng trước

Cần phải xử lý triệt để hành vi trên , là người dân tôi vô cùng bức xúc về việc này, tôi vừa mua con cá thả phóng sinh họ kích ngay, buồn quá ko biết làm sao. Bất lực quá ko biết kêu ai.

Tải thêm