Thứ 4, 13/11/2024, 07:01[GMT+7]

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và một số văn bản hướng dẫn thi hành (Phần 7)

Thứ 5, 26/03/2020 | 09:09:49
2,272 lượt xem

Câu 46. Có thể áp dụng các biện pháp chống dịch khác nào trong thời gian có dịch?


Trả lời: Theo quy định tại Điều 52, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:
- Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
- Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;
- Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.


Câu 47. Việc kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A được quy định như thế nào?


Trả lời: Theo quy định tại Điều 53, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A bao gồm:
- Hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; trường hợp cần thiết phải kiểm tra, giám sát và xử lý y tế;
- Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch;
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
- Các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch để thực hiện các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A nêu trên.


Câu 48. Các biện pháp nào được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch?


Trả lời: Theo quy định tại Điều 54, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện như sau:
- Việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch trong tình trạng khẩn cấp thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
- Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:
+ Huy động, trưng dụng các nguồn lực theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;
+ Đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại tránh vùng có dịch;
+ Yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch;
+ Cấm tập trung đông người và các hoạt động khác có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
+ Cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch;
+ Tổ chức tẩy uế, khử độc trên phạm vi rộng;
+ Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;
+ Áp dụng các biện pháp khác theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.


Câu 49. Người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch được hưởng chế độ gì?


Trả lời: Theo quy định tại Điều 59, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch được hưởng các chế độ sau:
- Người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm được hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác.
- Người tham gia chống dịch được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch và được hưởng chế độ rủi ro nghề nghiệp khi bị lây nhiễm bệnh.
- Trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét để công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.


Phần 2
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM


Câu 50. Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi vi phạm nào về thông tin, giáo dục truyền thông trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm?


Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) thì cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (tổ chức bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng) khi có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về thời điểm, thời lượng, vị trí đăng tải thông tin về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ngoài bị phạt tiền, cá nhân (tổ chức) có hành vi cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong 03 ngày.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thái Bình


  • Từ khóa