Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Bước tiến trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng khó Nam Trà My (Quảng Nam)

Chủ nhật, 02/10/2022 | 21:39:27
608 lượt xem
Trong những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới tại huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Cùng với nguồn vốn vay chính sách cũng như ý thức tự vươn lên của đồng bào mà nhiều hộ gia đình nghèo nay đã thoát nghèo, hộ trung bình trở nên khá giả, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Từ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đến nay, 10/10 xã của huyện Nam Trà My đã có đường ô tô đến trung tâm

Từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo

Nhiều năm trước, Nam Trà My, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, được xem làm một trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam. Địa hình nơi đây đa phần là đồi núi, nên diện tích đất để sản xuất nông nghiệp rất ít. Có một thời, cái nghèo cái khó cứ bám riết mãi cuộc sống của bà con.

Vậy mà giờ đây, mảnh đất này đã dần “thay da đổi thịt”. Cái nghèo, cái khó ngày một rời xa, khi người dân đã biết phát huy lợi thế của địa phương để vươn lên làm giàu. Có được điều đó, những năm qua, huyện đã tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Việc tập trung phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã đạt được những kết quả khả quan. Song, làm thế nào để cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là nông dân nhận thức được vai trò chủ thể trong công tác xây dựng NTM, là người được thụ hưởng những thành quả mà chương trình xây dựng NTM mang lại để tự giác và tích cực tham gia, là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với các cấp, các ngành của huyện.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và tạo sinh kế từ rừng, phát triển vùng chuyên canh quế - cây dược liệu thế mạnh của địa phương, nhằm góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi tập quán canh tác, tăng cường đầu tư thâm canh, phát triển nông - lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của huyện, theo hướng lựa chọn cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp từng vùng và từng điều kiện thổ nhưỡng. Mở rộng diện tích lúa nước, đẩy mạnh phát triển cây quế giống gốc Trà My, cây sâm Ngọc Linh; các loại cây dược liệu, cây địa phương khác; đầu tư mạnh vào lĩnh vực trồng rừng, trồng cây nguyên liệu. Phát triển chăn nuôi đại gia súc (bò, dê). Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng hiện có. . 

Các phong trào thi đua xây dựng NTM đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, theo đúng lộ trình đề ra. Những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng được nông dân huyện Nam Trà My hưởng ứng, phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cùng với các phong trào thi đua xây dựng NTM, từ năm 2016 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cũng đã tạo điều kiện cho 7.000 lượt người vay vốn, với doanh số giải ngân gần 255 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Dư nợ cho vay đến nay đạt trên 179 tỷ đồng, với 4.554 hộ vay vốn còn dư nợ, nợ quá hạn 110 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,06%.

Xác định việc giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu trong xây dựng NTM, UBND huyện đã hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi cho các hộ đăng ký thoát nghèo theo hình thức hỗ trợ sau đầu tư, phân công cán bộ công chức giúp đỡ, hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực tuyên truyền vận động các hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Đổi thay trong vùng khó

Theo thống kê của huyện Nam Trà My, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tích cực lao động sản xuất, vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công sức tham gia kiến tạo nông thôn. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình, kết quả bình quân chung đạt 8 tiêu chí/xã, trong đó xã Trà Mai (xã NTM của tỉnh năm 2021) đạt 15 tiêu chí; xã Trà Tập đạt 7 tiêu chí; xã Trà Cang đạt 6 tiêu chí; xã Trà Dơn đạt 7 tiêu chí; xã Trà Leng đạt 6 tiêu chí; xã Trà Vân đạt 8 tiêu chí; xã Trà Vinh đạt 6 tiêu chí; xã Trà Don đạt 9 tiêu chí; xã Trà Nam đạt 8 tiêu chí; xã Trà Linh đạt 8 tiêu chí. 

Điện lưới quốc gia đã về từng làng trên đỉnh núi 

Xã Trà Mai là địa phương đầu tiên của huyện Nam Trà My về đích NTM. Bên cạnh những thành quả đáng khích lệ trên các tiêu chí, địa phương này còn là điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao. Điển hình là anh Hồ Văn Quyết tại nóc Ông Non (thôn 1, xã Trà Mai), từ hai bàn tay trắng sau khi mới cưới nhau, năm 2017, vợ chồng anh Quyết đã vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH theo chương trình cho vay hộ nghèo. Tiền vay anh dùng mua bò và trồng 3 ha quế Trà My, đến nay gia đình anh thoát nghèo.

Tại xã Trà Linh cũng đã có nhiều tấm gương nông dân không chịu đói, nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, mạnh dạn đầu tư phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ nông dân giỏi. 

Bên cạnh đó, xã Trà Linh còn xuất hiện nhiều hộ trồng sâm ở thôn 2, thôn 3 và thôn 4. Đây là những hộ biết phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, mạnh dạn thay đổi tập quán lạc hậu, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. Nhờ cách làm đó, đến nay bình quân mỗi hộ có khoảng 10.000 cây sâm 5 năm tuổi và 17.000 cây sâm dưới 5 năm tuổi, ước trị giá hàng tỷ đồng/hộ và mức thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm.

Những làng trù phú ở Nam Trà My

Hiện tại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác định rõ ràng. Mặc dù trong điều kiện khó khăn, nguồn lực hạn chế, Ban Chỉ đạo các cấp đã nỗ lực cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu của các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là Ngân hàng CSXH, Chương trình xây dựng NTM tại Nam Trà My đã thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, do điểm xuất phát về kinh tế của Nam Trà My thấp, nên việc triển khai thực hiện đồng loạt các tiêu chí của NTM còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, thời gian qua, huyện cũng đã nỗ lực huy động và lồng ghép các nguồn vốn để tập trung xây dựng NTM đạt hiệu quả. Trong đó, huyện phấn đấu đến năm 2025, ngoài xã Trà Mai và Trà Linh đạt chuẩn về NTM, các xã còn lại đạt trên 15 tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. 

Hiện tại địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cho Nam Trà My tiếp tục phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Theo baodantoc.vn