Thứ 7, 23/11/2024, 21:32[GMT+7]

Những bài toán khó của EU

Thứ 6, 14/10/2022 | 22:18:28
1,207 lượt xem
Liên minh châu Âu (EU) vừa có thêm một bước tiến trong nỗ lực hạ nhiệt khủng hoảng năng lượng, khi các nước thành viên nhất trí về thỏa thuận mua chung khí đốt của khối. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu tự chủ năng lượng, Liên minh Cờ xanh còn phải tìm lời giải cho hàng loạt bài toán khó nữa.

Ảnh minh họa: Giếng dầu South Pars tại cảng Assaluyeh của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại họp báo sau Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 12/10, Bộ trưởng Công thương Séc Jozef Sikela thông báo các nước đã nhất trí về thỏa thuận mua chung khí đốt của EU trước mùa hè 2023, đồng thời tăng cường đoàn kết nội khối, tiết kiệm năng lượng và giảm tác động của giá khí đốt lên giá điện. Quan chức Séc nhấn mạnh lập luận “mua số lượng lớn, giá rẻ hơn” và EU nên đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt để đạt được mức giá tốt nhất có thể.

Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson cũng cho rằng, việc mua khí đốt chung là cần thiết để các nước không cạnh tranh lẫn nhau. EU đang rốt ráo đưa ra các giải pháp nhằm nỗ lực kiểm soát tình trạng giá năng lượng leo thang. Bà Simson tiết lộ, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung vào tuần tới nhằm kiềm chế đà tăng giá năng lượng. 

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trước đó cũng xác nhận cơ quan này sẽ đưa ra đề xuất chi tiết hơn về các biện pháp giúp hạ giá năng lượng, trước Hội nghị cấp cao của khối tại Brussels (Bỉ) trong các ngày 20 và 21/10 tới.

Một trong những bài toán khó đặt ra với EU là tìm được sự thống nhất giữa các thành viên trong các quyết định. Bà Simson nhấn mạnh, bất kỳ biện pháp mới nào cũng cần có sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên. Bộ trưởng Môi trường Ireland Eamon Ryan cho biết, các nước đều nhất trí có thêm hành động trong vấn đề năng lượng, song để đưa ra chính xác cơ chế thực hiện thì vẫn cần thêm thời gian. 

Một trong những bài toán khó đặt ra với EU là tìm được sự thống nhất giữa các thành viên trong các quyết định. 

Phần lớn các quốc gia thành viên EU ủng hộ áp giá trần với khí đốt, song chưa thể nhất trí về việc liệu có áp dụng giá trần với cả các giao dịch khí đốt, hợp đồng dài hạn, hay chỉ với khí đốt được dùng để sản xuất điện. Tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện, qua đó hạ giá điện trong nước. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của các nước thành viên khác, dù còn lo ngại biện pháp này có thể làm tăng nhu cầu khí đốt của EU.

Tại Hội nghị cấp cao không chính thức của EU ở Séc hôm 7/10, các nước đã không thể thống nhất quan điểm cho một phương án áp giá trần đối với khí đốt, vấn đề đã được khối bàn thảo trong nhiều tuần nay. Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần, vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu các nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, Hungary duy trì quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào ngành năng lượng của Nga. Hungary nhiều lần kêu gọi EU thay đổi chính sách, bởi theo Budapest các lệnh trừng phạt không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Hungary cảnh báo, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài hơn, vì các yếu tố địa chính trị và an ninh, cũng như đòi hỏi các giải pháp lâu dài hơn.

Thêm một bài toán nữa đối với EU là dung hòa giữa hai mục tiêu an ninh năng lượng và hành động khí hậu. EU đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và EC cũng đã đưa ra đề nghị pháp lý hướng tới mục tiêu giảm 55% lượng khí nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. Tuy nhiên, để ứng phó tình trạng thiếu điện, những tháng gần đây, nhiều nước thành viên EU đã sử dụng trở lại các nhà máy nhiệt điện than, ảnh hưởng trực tiếp tham vọng khí hậu của khối.

Bộ trưởng Công thương Séc Sikela cho rằng, nhiệm vụ chung là giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, song mỗi thành viên EU có những ý tưởng về các biện pháp, cũng như điều kiện và lợi ích khác nhau. Bên cạnh đó, theo giới phân tích, quản lý khủng hoảng năng lượng còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ hành động, khả năng điều phối và năng lực tài chính. Đây tiếp tục là những bài toán khó với EU.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày