Chủ nhật, 10/11/2024, 10:09[GMT+7]

38,26% số xã trong tỉnh Điện Biên đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ 5, 10/11/2022 | 20:18:00
1,874 lượt xem
Nhờ thực hiện đồng bộ giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; cùng với sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể, đến hết 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên đã có 44 xã được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 38,26% tổng số xã trên địa bàn tỉnh .

Chủ động chuyển đổi sang cây trồng giá trị cao, người dân huyện Tuần Giáo đã đầu tư trồng thí điểm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng xã Tênh Phông.

Trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới M[1] (đạt 19/19 tiêu chí); 23 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới M[2] (đạt từ 15-18 tiêu chí). Số tiêu chí bình quân ước đạt 13,16 tiêu chí/xã; so với năm 2021 tăng 0,06 tiêu chí/xã.

Cũng trong số 44 xã đã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, có xã Thanh Hưng thuộc huyện Điện Biên hiện đã đạt 13/16 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 83 thôn, bản; trong đó có 34 thôn, bản nông thôn kiểu mẫu và 49 thôn, bản nông thôn mới.

Đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên lên 52 xã; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 37%, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên đã yêu cầu ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tiếp tục huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình, lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc chương trình để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở cấp xã; Tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nước sạch, văn hóa thể thao…

Cùng với đó, ban chỉ đạo thực hiện chương trình các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Theo nhandan.vn