Chủ nhật, 10/11/2024, 09:37[GMT+7]

Quốc hội yêu cầu khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước

Thứ 3, 15/11/2022 | 17:06:35
1,228 lượt xem
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phụ trách.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV chiều 15/11. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 15/11, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, trong đó có nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Mở đầu phiên bế mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, tính đến ngày 11/11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến bằng văn bản của 404 đại biểu Quốc hội, trong đó, 356 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 48 đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh lý một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết, bảo đảm không trùng lặp về nội dung.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH).

Nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ bố cục và kết cấu của dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn được xây dựng theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân với một số nội dung cơ bản như đề xuất của đại biểu.

Đồng thời, tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động giám sát, căn cứ diễn biến phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng từng bước cụ thể hóa các nhiệm vụ với những yêu cầu, tiêu chí định lượng, mốc thời gian và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả, khả thi, làm cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện và giám sát có hiệu quả; bảo đảm bao quát được trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ, trách nhiệm chính của người trả lời chất vấn cũng như của từng Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia giải trình…

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 486 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 97,59% tổng số đại biểu.

Như vậy, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã được chính thức thông qua.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH).

Theo đó, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp.

Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đồng thời, cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các thành viên khác của Chính phủ tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.

Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày