Chủ nhật, 10/11/2024, 05:47[GMT+7]

Hàn Quốc: Tư vấn pháp luật cho lao động Việt Nam tại thành phố Gwangju

Thứ 3, 29/11/2022 | 11:08:07
540 lượt xem
Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Gwangju cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho người lao động Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian sinh sống làm việc tại Hàn Quốc.

Chị Vũ Thị Hằng, đại diện Cơ quan Cảnh sát thành phố Gwangju, trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người lao động Việt Nam liên quan đến pháp luật Hàn Quốc. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Chiều 27/11, Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS (VEWMO) phối hợp với Trung tâm Phúc lợi người nước ngoài thành phố Gwangju (miền Nam Hàn Quốc) đã tổ chức buổi gặp mặt, tư vấn pháp luật cho lao động Việt Nam tại khu vực thành phố Gwangju-Jeonnam (tỉnh Nam Jeolla) và vùng lân cận.

Sự kiện thu hút đông đảo người lao động Việt Nam ở khu vực thành phố Gwangju và các vùng lân cận tham dự.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, trong bối cảnh thị trường việc làm Hàn Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn của người lao động Việt Nam, Ban Quản lý lao động Việt Nam và Văn phòng EPS luôn coi hoạt động gặp mặt, tư vấn pháp luật và vận động lao động về nước đúng quy định là một trong những hoạt động có tính thường xuyên, liên tục nhằm tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc, sinh sống tại Hàn Quốc;

Đảm bảo người lao động làm việc và sinh sống tại nước này theo đúng hợp đồng đã ký, tuân thủ pháp luật sở tại và về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng;

Nắm thông tin về điều kiện, môi trường làm việc, đời sống, sinh hoạt, nguyện vọng của người lao động, nhất là những lao động đã hết hạn hợp đồng, đang cư trú bất hợp pháp, đồng thời hướng dẫn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời công tác phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm hoặc các tình trạng khẩn cấp khác.

Bà Kim Wan-suk, Trưởng nhóm Tư vấn viên của Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Gwangju cho biết việc các cơ quan quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài tổ chức các buổi gặp gỡ, tư vấn pháp luật cho người lao động Việt Nam như thế này là việc làm rất có ý nghĩa và cần được thực hiện một cách thường xuyên liên tục.

Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Gwangju cam kết luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ kịp thời cho người lao động Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian sinh sống làm việc tại Hàn Quốc.

Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc Phạm Minh Đức trực tiếp phổ biến các nội dung liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam theo diện visa E9 khi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN)

Thời gian qua, Ban Quản lý lao động Việt Nam và Văn phòng EPS đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc đón tất cả các chuyến bay có lao động nhập cảnh, giảng bài, hướng dẫn các thủ tục liên quan tại các Trung tâm đào tạo tại Hàn Quốc; phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) và các cơ quan liên quan tại Hàn Quốc hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động, đồng thời cập nhật thông tin của người lao động như địa chỉ làm việc, số điện thoại, chuyển đổi tư cách lưu trú, hồi hương phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ lao động...

Bên cạnh đó, Văn phòng EPS cũng tiến hành xác minh thông tin người lao động không chấp hành hợp đồng lao động, bỏ trốn khỏi nơi làm việc để xử lý khoản tiền ký quỹ của người lao động, cũng như tuyên truyền, hỗ trợ người lao động trong các tình huống khẩn cấp thông qua ứng dụng kết nối (Colab Sos) hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục cho người lao động về nước nhận lại khoản tiền ký quỹ và các khoản tiền bảo hiểm theo quy định.

Tại cuộc gặp mặt trên, chị Vũ Thị Hằng đến từ Cơ quan Cảnh sát thành phố Gwangju cũng đã trực tiếp tư vấn, giải thích các thủ tục pháp lý và các vấn đề liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Gwangju.

Bên cạnh đó, chị Hằng cũng cảnh báo về những thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin cá nhân của người lao động Việt Nam để đăng ký số điện thoại sử dụng thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã và đang xảy ra tại thành phố, kêu gọi người lao động cần cảnh giác, không để bị vướng vào các hoạt động phi pháp nói trên.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc tại cuộc gặp mặt, lao động Thái Bá Lĩnh (quê Nghệ An) cho biết: “Sau khi tham dự buổi gặp hôm nay, bản thân em cảm thấy rất vui và có ý nghĩa khi được nghe phổ biến không chỉ những vấn đề liên quan đến công việc tại Hàn Quốc mà cả các vấn đề về luật pháp của nước sở tại. Đại diện Cảnh sát thành phố Gwangju cũng đã có nhiều chia sẻ và tư vấn rất bổ ích và nhiệt tình. Em hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều buổi tư vấn tương tự để hỗ trợ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có cuộc sống ngày càng tốt hơn.”

Những người may mắn bốc thăm nhận được quà tặng của các nhà tài trợ (vé máy bay khứ hồi, voucher hành lý...). (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN) 

Theo nội dung Bản ghi nhớ (MoU) về Chương trình EPS mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký hồi tháng 2/2021 và dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 2/2023 tới, tính đến hết tháng 11/2022 đã có 6.900 người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc và dự kiến trong tháng 12 tới sẽ có thêm 1.500 lao động nhập cảnh, nâng tổng số lao động EPS sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2022 là 8.400 người, cao nhất trong 3 năm qua.

Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc, đặc biệt là trong thời gian người lao động chuẩn bị kết thúc hợp đồng về nước.

Từ quý 4/2022, hai bên tiếp tục đàm phán và dự kiến sẽ ký lại MoU vào đầu năm 2023 làm cơ sở cho việc tiếp tục đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc./.

Theo Vietnam+