Thứ 4, 13/11/2024, 06:53[GMT+7]

Đức hóa giải các thách thức kinh tế

Chủ nhật, 11/12/2022 | 09:53:59
2,434 lượt xem
Như nhiều quốc gia châu Âu khác, nước Đức đối mặt một loạt khó khăn trong năm 2022 bao gồm tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng, lạm phát cao và nguồn nhân lực ngày càng thiếu hụt…

Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp của hãng Volkswagen ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Pool/Reuters)

Đối phó với nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế là thiếu năng lượng, Đức đã tích cực đa dạng hóa nguồn cung trong năm 2022 để dần không còn lệ thuộc vào khí đốt của Nga. 

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuần trước đã thực hiện chuyến công du 5 ngày tới Namibia và Nam Phi. Tại thủ đô Windhoek của Namibia, Bộ trưởng Habeck cùng phái đoàn gồm 24 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã ký thỏa thuận về sản xuất hydro xanh với các doanh nghiệp nước chủ nhà. 

Theo thỏa thuận, Công ty RWE của Đức có thể nhận tới 300.000 tấn amoniac xanh mỗi năm, một dẫn xuất hydro đặc biệt phù hợp để vận chuyển bằng tàu. 

Trong chặng dừng chân tại Nam Phi, ông Habeck thực hiện một sứ mệnh rộng lớn hơn của Chính phủ Đức nhằm thiết lập các liên minh năng lượng mới ở nước ngoài. 

Trước đó, ông Habeck cũng đã tới Canada, Qatar và Na Uy trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Theo đó, tập đoàn năng lượng Qatar Energy và công ty ConocoPhillips đã nhất trí cung cấp 2 triệu tấn LNG mỗi năm tới Đức từ năm 2026. Công ty ConocoPhillips sẽ là đơn vị trung gian cung cấp khí đốt từ các dự án phía nam và đông North Field của Qatar cho cảng nhập khẩu LNG Brunsbuttel, miền bắc nước Đức.

Để tiếp nhận các nguồn khí đốt mới, Đức đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng. Công ty năng lượng Uniper ngày 9/12 thông báo họ sắp đưa vào vận hành trạm tiếp nhận LNG nổi đầu tiên của Đức tại cảng Wilhelmshaven để bơm vào mạng lưới đường ống khí đốt quốc gia. 

Trạm tiếp nhận và vận hành nổi có tên Hoegh Esperanza này là một con tàu đặc biệt, vừa chuyển khí hóa lỏng thành khí đốt và bơm vào bờ, vừa có thể vận chuyển một lượng lớn LNG trên tàu. 

Một phát ngôn viên Chính phủ Đức cho biết tàu Hoegh Esperanza sẽ chở đủ lượng LNG từ Nigeria để cung cấp cho nhu cầu sử dụng của 50.000 hộ gia đình ở Đức trong vòng một năm. 

Trước đó, cảng Wilhelmshaven đã hoàn tất mạng lưới đường ống dẫn khí đốt vào hệ thống đường ống quốc gia trên đất liền sau 200 ngày thi công, bắt đầu từ tháng 5/2022.

Cùng với giải quyết "bài toán năng lượng", Chính phủ Đức cũng đang tích cực phối hợp với các thành viên khác trong EU để kiềm chế lạm phát, đưa chỉ số lạm phát về mức mục tiêu 2% trong hai năm tới. 

Số liệu do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố cho thấy, vào tháng 9 vừa qua, lạm phát đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong 70 năm qua. 

Bộ Tài chính Đức đã cung ứng gói hỗ trợ lên tới 13 tỷ euro trong năm 2022 dành cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng. Chính phủ Đức cũng đang nỗ lực hóa giải một thách thức ngắn và trung hạn của nền kinh tế là việc thiếu hụt lao động. 

Theo đó, nội các Chính phủ liên bang Đức đã thông qua các điểm chính trong dự thảo luật nhập cư mới, dự kiến ban hành trong năm 2023 nhằm tạo thuận lợi hơn cho lao động nhập cư. 

Cơ quan Việc làm liên bang Đức dự báo tới năm 2035, Đức sẽ giảm 7 triệu lao động và con số này cần phải được từng bước bù đắp từ các nguồn trong và ngoài nước ngay từ năm tới.

Với những nỗ lực như trên, bất chấp còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực. Destatis cho biết, trong quý vừa qua GDP của Đức tăng 0,4% so với quý trước, cao hơn mức tăng ước tính 0,3% đưa ra trong tháng 10. 

Giới phân tích nhận định, sự gia tăng của chỉ số môi trường kinh doanh thời gian qua báo hiệu các khó khăn kinh tế có thể không nghiêm trọng như dự báo.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày