Chủ nhật, 10/11/2024, 09:50[GMT+7]

Sức ép từ làn sóng di cư

Thứ 3, 10/01/2023 | 16:12:55
2,678 lượt xem
Tổng thống Joe Biden vừa công bố những quy định mới nhằm tìm giải pháp cho làn sóng di cư ồ ạt kéo vào Mỹ - một thách thức đeo đẳng chính quyền kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm 2021. Di cư cũng là nội dung được bàn thảo tại hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ đang diễn ra ở Mexico.

Một cậu bé di cư cố gắng vượt qua hàng rào thép gai do Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas đặt tại biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico với mục đích củng cố an ninh biên giới và ngăn chặn người di cư vượt biên vào Hoa Kỳ, ngày 7/1/2023. Ảnh: REUTERS

Trong một tuyên bố ở Nhà trắng, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ mở rộng những hạn chế trong vấn đề người di cư, vốn được áp đặt từ thời chính quyền tiền nhiệm. Cụ thể, Mỹ sẽ nhanh chóng trục xuất những người di cư từ Nicaragua và Haiti bị bắt giữ vì lý do vượt biên trái phép qua biên giới Mỹ-Mexico.

Tuy nhiên, Xứ Cờ hoa cũng áp dụng chính sách nhân đạo khi mỗi tháng tiếp nhận khoảng 30.000 người di cư từ Nicaragua, Haiti và một số quốc gia khác qua đường hàng không. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, chỉ riêng những chính sách này chưa thể “sửa chữa” toàn bộ hệ thống nhập cư, song có thể giúp giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi hiện nay.

Cách tiếp cận bài toán di cư theo hai hướng như trên được cho là nhằm giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng chung quanh vấn đề hóc búa này. Một mặt, Tổng thống Biden muốn chấm dứt chỉ trích từ các thành viên đảng Cộng hòa khi số lượng người di cư vượt qua biên giới Mỹ-Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục và gây sức ép lên hệ thống an ninh, an sinh xã hội của Mỹ.

Mặt khác, người đứng đầu Nhà trắng lại xoa dịu các thành viên đảng Dân chủ và những người cho rằng các biện pháp hạn chế được chính quyền tiền nhiệm áp đặt là ngăn cản người di cư thực hiện quyền xin tị nạn của họ.

Chính phủ Mexico hoan nghênh động thái mới của Washington, cho rằng Mỹ đã “đáp ứng tích cực” những yêu cầu của Mexico về việc mở rộng cơ hội việc làm và có cách tiếp cận nhân đạo với người di cư trong khu vực. Nếu mức trần tiếp nhận là 30.000 người di cư mỗi tháng, trong năm 2023 sẽ có tổng cộng 360.000 người được vào Mỹ. Đây là sự gia tăng cơ hội việc làm tại Mỹ lớn nhất đối với người di cư trong những năm gần đây.

Lâu nay, hình ảnh thường trực tại Mexico là cảnh tượng các đoàn lữ hành gồm hàng trăm người, trong đó có nhiều trẻ nhỏ, đi bộ từ miền nam đến biên giới phía bắc giáp Mỹ, bất chấp thời tiết khắc nghiệt và lương thực thiếu thốn. Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, tháng 11/2022, lực lượng biên phòng Mỹ đã phát hiện 82.000 người di cư từ một số nước như Nicaragua, Haiti... tìm cách vào Mỹ mà chưa được cấp phép ở khu vực biên giới Mexico.

Làn sóng người di cư ồ ạt kéo đến Mỹ đã gây áp lực lớn cho chính quyền của Tổng thống Biden, nhất là trong bối cảnh ông Biden sắp khởi động chiến dịch tái tranh cử chức tổng thống. Mới đây, Thống đốc bang Texas Greg Abbott gửi thư tới Tổng thống Biden, trong đó nhấn mạnh, những chính sách biên giới của Mỹ có thể dẫn tới làn sóng người di cư ồ ạt kéo đến các bang giáp biên giới, gây quá tải cho hệ thống tiếp nhận và đẩy những người di cư trước nguy cơ bị chết cóng khi vạ vật trên các đường phố trong mùa đông khắc nghiệt.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện với các sĩ quan tuần tra biên giới khi ông đi dọc hàng rào biên giới trong chuyến thăm biên giới Hoa Kỳ-Mexico để đánh giá các hoạt động thực thi biên giới, ngày 8/1/2023. Ảnh: REUTERS


Vấn đề di cư là chủ đề được ưu tiên bàn thảo tại hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ đang diễn ra ở Mexico, với sự tham dự của Tổng thống hai nước Mỹ, Mexico và Thủ tướng Canada. Ngay trước khi đến Mexico tham gia hội nghị, Tổng thống Biden có chuyến thị sát thành phố El Paso, bang Texas, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của ông Biden tới biên giới phía nam kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống. Thành phố El Paso đã từng ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 12/2022 trong bối cảnh dòng người di cư gia tăng ở mức đáng báo động.

Bộ An ninh nội địa Mỹ nhận định, vấn đề di cư là thách thức chung của châu lục và đòi hỏi phải có giải pháp cho toàn bộ khu vực. Thực tế đã chứng minh rằng, giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng di cư không thể đến từ những bức tường bê-tông kiên cố, mà phải đến từ các chính sách toàn diện, đồng bộ, xử lý căn nguyên vấn đề và tôn trọng, bảo vệ hiệu quả các quyền cơ bản của người di cư.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày