Chủ nhật, 10/11/2024, 05:48[GMT+7]

Nhiều cơ hội và thách thức đan xen từ già hóa dân số

Chủ nhật, 15/01/2023 | 15:16:59
4,453 lượt xem
Số người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ này. Liên hợp quốc kêu gọi các nước xem xét lại quyền và phúc lợi của người cao tuổi, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức đan xen.

(Ảnh minh họa: Reuters)

Trong báo cáo vừa công bố, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (DESA) xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Các quốc gia có thể hưởng lợi từ tình trạng này bằng cách thúc đẩy các cơ hội bình đẳng ngay từ khi trẻ em được sinh ra, để trao cho tất cả mọi người dân cơ hội sống lâu hơn trong tình trạng sức khỏe tốt hơn.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 2021, thế giới có 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên cũng tăng nhanh chóng. Các nhà khoa học ước tính, tuổi thọ trung bình của nhóm trẻ em sinh năm 2021 sẽ là 71, tăng khoảng 25 tuổi so với tuổi thọ trung bình của những người sinh năm 1950. Châu Âu và Bắc Mỹ hiện có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất, trong khi các khu vực Bắc Phi, Tây Á và châu Phi cận Sahara được dự báo có tốc độ phát triển nhanh nhất về số người cao tuổi trong vòng 30 năm tới.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng bất bình đẳng tồn tại trong một thế giới đang bị già hóa, bởi không phải ai cũng được hưởng lợi một cách bình đẳng từ những tiến bộ về y tế và giáo dục. Trong khi nhiều người cao tuổi vẫn có sức khỏe tốt và tích cực tham gia các hoạt động kinh tế, thì nhiều người khác lại sống chung với bệnh tật và đói nghèo. Ở các khu vực phát triển hơn, lương hưu và hệ thống hỗ trợ công có thể đáp ứng tới hơn hai phần ba nhu cầu tiêu dùng của người cao tuổi. Trong khi đó, ở các khu vực kém phát triển hơn, người cao tuổi có xu hướng phải làm việc lâu hơn và sống dựa nhiều hơn vào tài sản tự tích lũy, hoặc sự trợ giúp của các thành viên gia đình. 

Bên cạnh đó, dân số toàn cầu già đi đồng nghĩa nhu cầu an sinh xã hội với người cao tuổi ngày càng tăng. Ðiểm yếu này đã bộc lộ rõ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua. Ðiều đáng buồn là chi tiêu công ở hầu hết các quốc gia không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi. Tình trạng phân biệt đối xử về tuổi xảy ra ở nhiều quốc gia, song thường không được quan tâm đúng mức. Người cao tuổi, nhất là phụ nữ lớn tuổi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng và mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi người cao tuổi.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc cho rằng, giới chức trách cần xem xét lại hệ thống bảo trợ xã hội, trong đó có chương trình lương hưu. Một trong những thách thức lớn là duy trì sự bền vững tài chính của hệ thống lương hưu công, bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi. Thanh niên cũng cần được hỗ trợ phát triển và lên kế hoạch cho tuổi già. Những yếu tố nêu trên có thể góp phần giải quyết vấn đề già hóa dân số một cách toàn diện hơn.

Già hóa dân số đặt ra thách thức về kinh tế và xã hội, song chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện để các cá nhân, gia đình và xã hội cùng giải quyết những thách thức này và tận dụng được những lợi ích mà tình trạng già hóa dân số mang lại. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội nhấn mạnh: Cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết bất bình đẳng hiện nay, quản lý những thách thức và tận dụng các cơ hội từ tình trạng già hóa dân số, vì lợi ích của các thế hệ ngày mai.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày