Thứ 7, 23/11/2024, 21:21[GMT+7]

Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu

Thứ 7, 04/02/2023 | 07:55:58
1,811 lượt xem
Ngày 3/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo Bộ Công thương, về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu tháng 1 năm 2023: do có hai kỳ nghỉ tết (Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) nên thời gian làm việc trong tháng 1/2023 chỉ bằng 1/3 so với các tháng trước; đơn hàng bên ngoài giảm, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết. Vì vậy, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 vẫn duy trì xuất siêu 3,6 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 1,6 tỷ USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20%(cùng kỳ tăng 1,3%).

Về chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán: triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công thương đã: theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị tốt nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp để kiểm tra, chỉ đạo việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, đồng thời ban hành Công điện chỉ đạo tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng để góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết.

Các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú, nguồn cung dồi dào (tăng hơn 20% so với ngày thường), đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; sức mua không lớn (tăng từ 8-10%) nên giá phần lớn các mặt hàng trước và sau tết chỉ tăng nhẹ (trong khoảng 2-10%). Thị trường không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung được bảo đảm.

Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước được bảo đảm. Trước Tết, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương thông báo tạm nghỉ do nhân viên về quê nghỉ Tết hoặc nhập hàng chậm, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã kịp thời kiểm tra, động viên doanh nghiệp khắc phục, các cửa hàng sau đó đã mở cửa bán hàng bình thường trở lại.

Về cung ứng điện: các nhà máy điện vận hành ổn định; hệ thống điện luôn bảo đảm dự phòng cao; các tổng công ty điện lực cung ứng điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong dịp nghỉ Tết.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), năm 2022, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,8% so cùng kỳ năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%); giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng trưởng cao, đạt 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thương mại trong nước cũng góp phần tích cực trong giải quyết công ăn việc làm (năm 2022 lĩnh vực thương mại trong nước thu hút 7,2 triệu lao động, tương đương 14,7% tổng lao động xã hội đang làm việc trong các ngành nghề) và bảo đảm an sinh xã hội, trở thành một trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế.

Năm 2023, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm Bộ Công thương đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành công thương nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại Hội nghị. 

Trong đó, mục tiêu chủ yếu đặt ra với lĩnh vực thị trường trong nước là: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%; Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ; Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành công thương bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; năm 2023 đã đi qua 1 tháng, trong khi yêu cầu công việc thì cao, khả năng có hạn, do đó chúng ta phải suy nghĩ cân bằng được mâu thuẫn đó, vượt qua khó khăn, thách thức nhưng phải bảo đảm hiệu quả. Ngành công thương quản lý lĩnh vực đa ngành từ công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, cơ khí, năng lượng, luyện kim… Đây là quá trình phát triển của đất nước ta trong việc quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, để thấy trách nhiệm nặng nề của Bộ.

Năm nay, tình hình có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đó là sức ép lạm phát trên thế giới gia tăng, một số nước tăng lãi suất, gây sức ép lên đồng tiền Việt Nam; độ mở của nền kinh tế nước ta lớn, gần gấp đôi GDP, cho nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn bên trong. Tác động bên ngoài bây giờ có nhiều yếu tố như: lạm phát, giảm phát, dẫn đến tổng cầu các thị trường lớn truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc bị giảm phát, thu hẹp; vấn đề nữa là xung đột Nga-Ukraine chưa kết thúc; khủng hoảng về năng lượng, an ninh lương thực, thông tin…, các vấn đề phi truyền thống nổi lên; biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ.

Theo Thủ tướng, nền kinh tế chúng ta có quy mô còn khiêm tốn, năng lực và sức chống chịu sức cạnh tranh còn có hạn. Do đó, vấn đề đặt ra là chúng ta thoát ra được cơn khủng hoảng thế giới hiện nay. Năm ngoái, chúng ta đã tìm cách thoát ra được nên giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Năm nay, qua 1 tháng, tháng 1 thì lại trùng vào 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán, thời gian làm việc chỉ 2/3 tháng bình thường.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài làm cho sản xuất trong nước bị giảm đơn hàng, dẫn đến sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 8% so cùng kỳ năm 2022; quản trị mua hàng cũng giảm 3 tháng liên tiếp; bù lại, lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp tăng trưởng nhưng thị trường xuất khẩu thủy sản bị giảm. Đối với kinh tế vĩ mô thì áp lực lạm phát lớn, tăng 0,52% so tháng 12/2022. Chúng ta đã vượt qua khó khăn để điều hành kinh tế vĩ mô cuối năm 2022, vừa phải chống đỡ tiêu cực từ bên ngoài, xử lý các vụ việc liên quan ngân hàng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực điều hành của Chính phủ, các cơ quan chuyên môn, chúng ta đã vượt qua khó khăn, “thoát hiểm”, có điều kiện trưởng thành lên. Từ đó, nhiều cơ quan, chủ thể nhận thức không thể làm sai mãi.

Từ đó, chúng ta đã có kinh nghiệm hơn đối phó với các khó khăn. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với khó khăn giảm tổng cung và tổng cầu; Bộ Công thương là bộ đa ngành, cho nên chúng ta phải đẩy mạnh cả tổng cung và tổng cầu, tập trung 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, bảo đảm các cân đối lớn. Chúng ta tổ chức hội nghị này với tiêu đề giản dị nhằm tăng tổng cung và tổng cầu, mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, đổi mới khoa học công nghệ. Do đó, hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải thảo luận để tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, đầu tư các thiết chế văn hóa, giáo dục.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần thống nhất tư tưởng, quan điểm chỉ đạo để từ đó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Về những vấn đề tồn đọng cần giải quyết, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Công thương hiện có 4 quy hoạch về tổng thể năng lượng quốc gia; quy hoạch về hạ tầng cung ứng xăng dầu, khí đốt; quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản vừa bảo đảm yêu cầu trước mắt và lâu dài; Quy hoạch điện VIII.

Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ, vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần phát triển đúng hướng, thúc đẩy phát triển, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước. Chính phủ rất trăn trở việc này. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội. Điện có 5 khâu quan trọng: nguồn điện như thế nào để sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nước ta; truyền tải điện; phân phối điện: phải làm như thế nào để bảo đảm hiệu quả trong tiêu thụ điện; sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm; giá điện: là khâu quan trọng, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, nếu giá cao nhưng người dân, doanh nghiệp, nói rộng ra nền kinh tế liệu có kham nổi. Do đó, Bộ Công thương phải suy nghĩ thấu đáo vấn đề này.

Vấn đề liên quan Quy hoạch điện thì yêu cầu như vậy nhưng chúng ta phải khẩn trương thực hiện; việc mua bán điện trực tiếp thì bộ cũng phải tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện, ban hành cơ chế bán điện trực tiếp, cơ chế giá điện FIT; muốn phát triển được lĩnh vực năng lượng tái tạo phải theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công thương ban hành Thông tư 15 về khung giá điện. Điều này cho thấy chúng ta phải bám sát tư tưởng này. Mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết.

Về giá điện, Bộ cũng phải nghiên cứu và điều hành hợp lý, tránh tình trạng “giật cục”, dung hòa giữa lạm phát và tăng trưởng; nghiên cứu kiến nghị sửa Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 để điều chỉnh việc đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đối với lĩnh vực xăng dầu, Bộ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực xử lý dự án nhiệt điện Long Phú 1, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Về lĩnh vực xuất khẩu, theo Thủ tướng, những năm qua, Bộ Công thương rất tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, do đó phải nỗ lực đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. Về sản xuất công nghiệp, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ, do đó phải tìm hướng phát triển đúng đắn; tăng tổng cầu của nước có 100 triệu dân. Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận tìm giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày