Thứ 2, 18/11/2024, 19:25[GMT+7]

Tín hiệu vui từ các nền kinh tế Đông Nam Á

Chủ nhật, 12/02/2023 | 20:19:39
2,012 lượt xem
Sau một thời gian dài khó khăn vì đại dịch Covid-19, các nền kinh tế Đông Nam Á đang khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ. Malaysia vừa cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 22 năm qua, trong khi Thái Lan, Indonesia… cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan.

Các nhóm du khách Trung Quốc tại sân bay Suvarnabhumi-Thái Lan. (Ảnh: The Nation)

Cục Thống kê Malaysia (DoSM) cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 đạt 8,7%, mức cao kỷ lục trong 22 năm, cao hơn so với dự báo và tăng mạnh so với mức 3,1% của năm 2021. 

Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đánh giá kinh tế phục hồi nhờ các biện pháp kích thích kinh tế, nhu cầu nội địa tăng lên. Việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng cá nhân tăng trưởng liên tục. Ngân hàng Hồi giáo Malaysia Bhd dự báo nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2023, trong khi các ngân hàng khác cho rằng con số này dao động quanh mức 4-4,4%.

Tại Thái Lan, lĩnh vực du lịch-trụ cột quan trọng của nền kinh tế đã khởi sắc trở lại, nhất là sau khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Số liệu do Phòng Thương mại Thái Lan công bố ngày 9/2 cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 1 vừa qua là 51,7, tháng tăng thứ 8 liên tiếp và là mức cao nhất trong 26 tháng trở lại đây. 

Dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan có thể đạt 3,5-4% trong năm nay nhờ “điểm sáng” du lịch, cùng với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào quý II/2023. Các nhà phân tích nhận định, cuộc tổng tuyển cử sẽ giúp tạo ra 50 tỷ baht trong chi tiêu, góp phần nâng tăng trưởng kinh tế thêm 0,3%; khách du lịch từ Trung Quốc có thể chiếm 7-8 triệu lượt trong tổng số 26-27 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong năm nay. 

Nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia cũng đã ghi nhận tín hiệu phục hồi tăng trưởng tích cực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Theo Cơ quan Thống kê Indonesia, kinh tế nước này đã tăng trưởng 5,31% trong năm 2022, mức cao nhất kể từ năm 2013. Lĩnh vực đầu tư của Indonesia đang được xem là điểm sáng trong “bức tranh kinh tế” đất nước. 

Tín hiệu phục hồi kinh tế cũng đã được ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Philippines, Campuchia… Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thách thức với các nền kinh tế khu vực trong năm nay còn rất lớn. Lạm phát sẽ vẫn là một mối đe dọa không thể xem thường, nhất là tại Philippines, Thái Lan và Lào.


Bộ Đầu tư Indonesia vừa cho biết, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử. Indonesia đã ghi nhận mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái nhờ ổn định chính trị và các chính sách hỗ trợ của chính phủ dưới thời Tổng thống Joko Widodo.

Tín hiệu phục hồi kinh tế cũng đã được ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Philippines, Campuchia… Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thách thức với các nền kinh tế khu vực trong năm nay còn rất lớn. Lạm phát sẽ vẫn là một mối đe dọa không thể xem thường, nhất là tại Philippines, Thái Lan và Lào. 

Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) công bố số liệu cho thấy lạm phát ở nước này đã lên tới 8,7% trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất kể từ tháng 11/2008. Tại Lào, Cục Thống kê nước này cho biết tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái tăng lên tới 40,3% trong tháng 1/2023, tăng 1,03% so với tháng 12/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận trong 23 năm qua tại Lào. 

Trong khi đó, Bộ Thương mại Thái Lan vừa thông báo lạm phát toàn phần của nước này trong tháng 1 tăng 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh nguy cơ lạm phát, lĩnh vực sản xuất tại một số nền kinh tế Đông Nam Á vẫn khá yếu, điển hình là Singapore. Dữ liệu từ Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore (EDB) cho thấy sản xuất công nghiệp trong tháng 12/2022 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021, giảm nhẹ so với mức giảm 3,8% của tháng liền kề trước đó. 

Ngoài ra, những “cơn gió ngược” từ bối cảnh quốc tế không mấy thuận lợi như xung đột Nga-Ukraine vẫn nghiêm trọng, căng thẳng quan hệ Trung Quốc-Mỹ gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới vẫn hiện hữu… cũng có nguy cơ “cản bước” tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á. Bởi vậy, chống lạm phát, kích cầu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ vẫn là “việc cần làm ngay” của các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm 2023.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày