Thứ 4, 13/11/2024, 09:01[GMT+7]

Sóng gió trong làng công nghệ

Thứ 3, 14/02/2023 | 10:21:47
2,032 lượt xem
Làn sóng sa thải nhân viên tiếp tục diễn ra trên quy mô lớn, cùng kết quả kinh doanh sa sút là dấu hiệu cảnh báo về một năm nhiều khó khăn với các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu. Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô bấp bênh, các doanh nghiệp công nghệ và bản thân mỗi người lao động cần chủ động thích ứng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nước Mỹ đang chứng kiến làn sóng ồ ạt các công ty lớn thuộc nhiều ngành, nghề sa thải nhân viên. Đi đầu là các công ty công nghệ khi hơn 150.000 người trong lĩnh vực này bị mất việc thời gian qua. Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo kế hoạch cắt giảm 12.000 việc làm. Đây là một trong những nỗ lực cải tổ lĩnh vực công nghệ của Alphabet.

Trong khi đó, tập đoàn Microsoft thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối quý III của tài khóa 2023. Nối gót các công ty Mỹ, các công ty công nghệ ở Đông Nam Á như GoTo Group, Carousell... cũng tiến hành các đợt sa thải nhân viên khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Làn sóng cắt giảm nhân công của nhiều công ty công nghệ đã bắt đầu diễn ra từ quý IV/2022, kéo dài đến nay và được nhận định tiếp diễn thời gian tới. Lạm phát dai dẳng khiến triển vọng kinh tế u ám, các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về lộ trình tìm kiếm lợi nhuận của các công ty công nghệ. Các đại gia công nghệ (Big Tech) từng thắng lớn trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.

Song hiện nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động bình thường được nối lại thì nhu cầu về dịch vụ số giảm mạnh. Sự tuyển dụng nhân sự ồ ạt của các Big Tech trong thời kỳ đỉnh cao cũng là nguyên nhân khiến họ phải cắt giảm hàng loạt việc làm để giảm chi phí khi tình hình kinh doanh kém khả quan, kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Kế hoạch cắt giảm nhân sự trên quy mô lớn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng cuộc sống của nhiều người lao động. Theo một số quan chức Mỹ, khi làn sóng dư thừa lao động lan rộng khắp các công ty công nghệ, nhiều người mất việc làm đang ở lại Mỹ dưới dạng thị thực H-1B (thị thực không định cư).

Bởi vậy, các quan chức này kêu gọi các cơ quan nhập cư Mỹ tăng ít nhất gấp đôi thời gian so với thời hạn 60 ngày mà hiện người lao động nước ngoài theo diện thị thực lao động được phép ở lại Mỹ, để họ có thêm thời gian tìm việc mới. Trong khi đó, giới luật sư cảnh báo, kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu những lao động nhập cư trong lĩnh vực công nghệ có chuyên môn cao rời khỏi nước này.

Hoạt động kinh doanh của các tập đoàn công nghệ thời gian gần đây tương đối ảm đạm. Cụ thể, hai "ông lớn" trong làng công nghệ là Google và Apple có kết quả kinh doanh sa sút trong quý cuối cùng của năm 2022. Doanh thu của Alphabet, công ty chủ quản của Google, là 76 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt 13,6 tỷ USD, đều thấp hơn cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu từ quảng cáo, một trong những mảng kinh doanh quan trọng của Google, đã giảm sút mạnh. Còn theo báo cáo của Apple, doanh thu của hãng này trong ba tháng cuối năm 2022 đạt 117,1 tỷ USD; giảm 5,4% so với một năm trước. Doanh thu của gã khổng lồ truyền thông Meta năm 2022 giảm 1%, xuống còn 116,6 tỷ USD, đánh dấu lần đầu doanh thu của công ty này sụt giảm. Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai (X.Pi-chai) thừa nhận, sau thời gian tăng tốc đáng kể về chi tiêu kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch, môi trường kinh tế vĩ mô giờ đã khó khăn hơn.

Đó là chưa kể, sức ép với các Big Tech cũng ngày càng gia tăng khi hàng loạt quốc gia vào cuộc siết chặt quản lý với các nền tảng công nghệ. Nhiều công ty công nghệ phải đối mặt với chỉ trích vì không giám sát kỹ nền tảng của mình, dẫn đến những vi phạm trên môi trường internet.

Sa thải nhân viên là một phần chính sách "thắt lưng buộc bụng" của các công ty công nghệ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc các công ty công nghệ gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi, đòi hỏi sự chủ động thích ứng cùng những bước đi thận trọng hơn trong triển khai chiến lược kinh doanh.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày