Chủ nhật, 10/11/2024, 09:33[GMT+7]

'Điểm nghẽn' trong xây dựng nông thôn mới ở miền núi Thanh Hóa

Thứ 2, 20/02/2023 | 10:58:22
1,762 lượt xem
Để dần thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, những năm qua, các địa phương thuộc khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh đã tập trung huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Hầu hết các đơn vị đều đã xây dựng cho mình lộ trình để xây dựng và hoàn thành các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Người dân xã Thành Thọ (Thạch Thành) sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong quá trình thực hiện một số tiêu chí và chỉ tiêu nên nhiều xã đành 'lỡ hẹn' với mục tiêu về đích.

Là xã miền núi có xuất phát điểm thấp về các tiêu chí XDNTM, những năm qua, chính quyền cùng toàn thể Nhân dân xã Phượng Nghi (Như Thanh) đã chung sức, đồng lòng để xây dựng và hoàn thành các tiêu chí trong XDNTM. Xã xây dựng lộ trình về đích NTM vào năm 2022. Thời điểm cuối năm 2021, xã Phượng Nghi đã được Ban Chỉ đạo XDNTM huyện Như Thanh công nhận hoàn thành 17/19 tiêu chí. Tuy nhiên, ngày 8-3-2022, Chính phủ đã có Quyết định 318/QĐ-TTg về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào bộ tiêu chí mới này thì xã Phượng Nghi chỉ mới đạt 13/19 tiêu chí.

Bộ tiêu chí mới được ban hành, yêu cầu về các tiêu chí được nâng lên, nên số tiêu chí đạt của xã bị tụt xuống nhiều. Song điều này không làm chính quyền và Nhân dân trong xã nản chí mà càng ra sức nỗ lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Đến cuối năm 2022, xã tự đánh giá đã hoàn thành 18/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới. Chỉ còn chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn thì xã vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo quy định về chỉ tiêu này, các xã thuộc khu vực Bắc Trung bộ phải có từ 15% đến 20% số hộ trở lên sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung. Áp dụng theo quy định này thì để hoàn thành chỉ tiêu 17.1, xã Phượng Nghi phải có 45% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Trong đó, có hơn 20% số hộ trở lên sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung.

Ông Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, phân tích: Phượng Nghi là xã miền núi, dân cư sống không tập trung, nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung nằm ngoài khả năng của xã. Bên cạnh đó, việc vận động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư để xây dựng công trình nước sạch tập trung là chưa thể khi đời sống của người dân trên địa bàn xã không mấy dư dả. Trong khi đó, xã cách nhà máy nước huyện Triệu Sơn 20 km, cách trung tâm huyện Như Thanh 20 km, việc làm hệ thống ống dẫn nước kinh phí lớn”. Chính quyền và Nhân dân xã Phượng Nghi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đối với tiêu chí này, để xã tháo gỡ được điểm nghẽn, về đích NTM trong thời gian sớm nhất.

Năm 2022, huyện Thạch Thành xây dựng mục tiêu có 3 xã về đích NTM, gồm: Thạch Long, Thạch Cẩm, Thành Thọ. Tuy nhiên, hiện mới có xã Thành Thọ đang đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bởi, thời gian qua, xã được Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa đầu tư hệ thống đường ống chính, ống nhánh lấy nước từ nhà máy nước Kim Tân qua xã Thành Hưng để dẫn nước đến xã Thành Thọ. Còn lại xã Thạch Long và Thạch Cẩm thì vẫn chưa thể cán đích do vướng chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Hiện tại, huyện Thạch Thành cùng UBND xã Thạch Long đang phối hợp với Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa xây dựng phương án tiếp tục đầu tư nối dài đường ống. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, tại xã Thạch Long, do mật độ dân cư sinh sống trên địa bàn các xã thấp, không tập trung, khoảng cách giữa các hộ dân lớn nên công suất, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống cung cấp nước sạch tập trung đến từng hộ gia đình cao hơn nhiều khu vực thị trấn Kim Tân và các vùng phụ cận, nên cần số kinh phí lớn. Còn đối với xã Thạch Cẩm, do ở vị trí quá xa nhà máy nước Kim Tân, nên phương án đầu tư hệ thống đường ống là không khả thi. Vì vậy, huyện và xã đang xây dựng phương án xây dựng các bể xử lý nước tập trung, tận dụng mó nước dẫn từ các nguồn nước về các bể nước này để xử lý rồi cấp cho các hộ dân.

Theo kế hoạch năm 2023 này, huyện Thạch Thành sẽ có tới 7 xã phải về đích NTM. Được biết, hiện các xã này đang dồn lực để hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, ngoài xã Thành Tiến đã tìm ra được giải pháp đầu tư nối đường ống dẫn nước để lấy nước từ nhà máy nước Kim Tân về để hoàn thành chỉ tiêu 17.1 ra, thì 6 xã còn lại đang lo lắng không biết sẽ thực hiện chỉ tiêu có 20% số hộ trở lên sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung bằng cách nào.

Theo lộ trình, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 53 xã thuộc khu vực miền núi đạt chuẩn NTM. Trong đó, riêng trong năm 2022 có 14 xã sẽ về đích. Tất cả các xã này đều chưa có hệ thống nước sạch tập trung. Vì vậy, việc thực hiện chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn theo bộ tiêu chí mới thực sự đang là điểm nghẽn lớn đối với các địa phương này.

Theo thông tin của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên khu vực miền núi của tỉnh hiện chỉ có 6/11 huyện có nhà máy nước sạch (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân). Trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận. Qua khảo sát cho thấy, thời gian qua, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân miền núi được đầu tư xây dựng. Nhưng các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp. Bởi vậy, việc thực hiện chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn bộ tiêu chí mới đang là rào cản lớn đối với lộ trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM của các địa phương miền núi nói riêng và của cả tỉnh nói chung.

Theo baothanhhoa.vn