Thứ 7, 23/11/2024, 18:26[GMT+7]

Ngăn làn sóng di cư vào châu Âu - bài toán chưa có lời giải

Thứ 6, 24/02/2023 | 11:32:43
1,249 lượt xem
Kể từ khi các biện pháp hạn chế để chống dịch Covid-19 được nới lỏng, làn sóng di cư lại trỗi dậy khiến nhiều quốc gia chật vật ứng phó thách thức nảy sinh. Ngăn làn sóng di cư vào châu Âu vẫn là mối lo thường trực của các thành viên Liên minh châu Âu (EU), nơi được coi là miền đất hứa của người di cư.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AP)

Việc nới lỏng các quy định phòng dịch lại đúng thời điểm nhiều nước châu Âu đối mặt kinh tế suy yếu do đại dịch và tác động của xung đột ở Ukraine. Là điểm đến được người di cư ưu tiên lựa chọn, châu Âu luôn phải lo giải bài toán người tị nạn, cũng là vấn đề gây chia rẽ trong EU. Lượng đơn đăng ký xin tị nạn vào EU đã tăng vọt, như năm 2022 có gần một triệu đơn xin tị nạn được nộp tới 27 nước thành viên của khối, cùng Thụy Sĩ và Na Uy.

So với năm 2021, con số nêu trên tăng 50% và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Người Syria và Afghanistan chiếm phần lớn trong số những người xin tị nạn vào EU, khoảng 25% tổng số đơn. Tiếp đó là những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Colombia và các nhóm người di cư từ Bangladesh, Gruzia, Ấn Ðộ, Maroc, Tunisia, Nigeria và Somalia. Ðáng chú ý, số lượng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm ở mức cao nhất kể từ năm 2015 là 43.000 trẻ. Những người mang quốc tịch Ukraine không nằm trong danh sách thống kê, do họ thuộc quy chế bảo vệ tạm thời.

Tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phản ứng trên toàn châu lục. Các nhà lãnh đạo EU kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) huy động ngay lập tức các quỹ đáng kể của EU để tăng cường biên giới ngoại khối bằng cách tăng khả năng bảo vệ, củng cố hạ tầng, phương tiện giám sát. Tại hội nghị cấp cao của EU gần đây, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư trái phép ở biên giới, theo đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối. Một quốc gia thành viên có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở nước thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép trở về nước xuất xứ. Ðiều này được cho là góp phần ngăn chặn khả năng người di cư tiếp tục xin tị nạn tại một quốc gia khác sau khi đã bị quốc gia đầu tiên từ chối tiếp nhận.

Các động thái nêu trên diễn ra sau khi các quốc gia EU kêu gọi EC thanh toán chi phí cho các hàng rào biên giới được gia cố nhằm ngăn người vượt biên trái phép từ các nước ngoài EU. Họ cho rằng, nếu EC chi trả cho việc trang bị camera, xây tháp canh và các công trình hạ tầng khác dọc biên giới ngoài EU, điều này sẽ khuyến khích các nước tự nguyện trích ngân sách quốc gia cho việc dựng rào chắn. Tuy nhiên, Chủ tịch EC một lần nữa khẳng định rằng các quỹ của khối không cấp kinh phí cho biện pháp này.

Ðến nay, EU đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn do xung đột tại Ukraine, Syria và Afghanistan, trong khi phải xử lý đơn xin tị nạn của công dân các quốc gia khác như Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia và rất nhiều người trong số này thuộc diện không đủ điều kiện cấp quy chế tị nạn. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex), chỉ riêng năm 2022, số vụ vượt biên trái phép vào EU lên tới 330.000 vụ. Ðây là con số cao chưa từng có kể từ năm 2016.

Trong khi đó, các nước thành viên EU vẫn chia rẽ trong vấn đề quốc gia nào chịu trách nhiệm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, cũng như nghĩa vụ hỗ trợ người di cư của các nước láng giềng và đối tác. Nhiều quốc gia ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn trong chính sách tị nạn, nhưng một số nước, trong đó có Ðức, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn lao động di cư, lại quan tâm tới lợi ích từ người di cư và từ chối xây dựng các hàng rào cứng, cũng như không muốn gây sức ép bằng cách rút viện trợ phát triển hoặc thị thực đối với các nước là xuất phát điểm của người di cư. Bất đồng nảy sinh liên quan kiểm soát dòng người tị nạn đổ vào châu Âu khiến EU vẫn loay hoay với bài toán không dễ tìm lời giải này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày