Hạ nhiệt tranh cãi hậu Brexit
Thỏa thuận mới nhằm giải quyết những mâu thuẫn do việc thực thi các thỏa thuận hậu Brexit năm 2020 đối với vùng Bắc Ireland của Anh và duy trì biên giới mở của Anh với Ireland, thành viên EU, song điều dư luận chờ đợi là, điều này có thể giúp chấm dứt bế tắc chính trị ở Bắc Ireland và làm dịu những ý kiến chỉ trích Anh ở Bắc Ireland hay không.
Theo nguồn tin từ Chính phủ Anh, Thủ tướng Sunak đã đồng ý các điều khoản với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) tại cuộc gặp ở một khách sạn phía Tây London.
Bản thỏa thuận mới dài hơn 100 trang, trong đó có một số sửa đổi chính như EU không yêu cầu chứng nhận đầy đủ về hải quan và sức khỏe động vật tại biên giới đối với các sản phẩm được đăng ký và dán nhãn "NI-Only" (chỉ tiêu thụ tại Bắc Ireland) từ Anh sang Bắc Ireland; EU chấp nhận nới lỏng quy định đối với cư dân Bắc Ireland nhận bưu kiện từ Anh qua đường bưu điện; dỡ bỏ hạn chế hộ chiếu thú cưng, theo đó cho phép cư dân Vương quốc Anh đưa thú cưng của họ đến Bắc Ireland mà không cần hộ chiếu thú cưng như đi du lịch đến EU hiện tại; sửa đổi quy định về hạn ngạch thép từ Anh sang Bắc Ireland công bố vào tháng 8/2022 và mức thuế dự kiến có thể lên tới 25%.
Khơi thông bế tắc
Thỏa thuận mới dự kiến sẽ giảm bớt việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa vận chuyển từ Anh đến Bắc Ireland và giúp các nhà lập pháp của Bắc Ireland có quyền quyết định đối với một số quy tắc thương mại mà EU áp đặt lên vùng này theo các điều khoản của thỏa thuận Brexit. Chính phủ Anh cũng có thể đặt ra một số quy định về thuế và viện trợ nhà nước.
Đây là kết quả của nỗ lực thương thảo giữa các nhà lãnh đạo EU và Vương quốc Anh nhằm tìm giải pháp thiết thực và giải quyết những thách thức phức tạp liên quan đến Nghị định thư về Bắc Ireland. Đây vốn là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép Bắc Ireland nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng trên đảo Ireland.
Để có thể đi đến một thỏa thuận với EU, Chính phủ Anh đã phải trải qua chặng đường không dễ dàng khi tồn tại nhiều bất đồng nội bộ. Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly từng tuyên bố Anh sẽ không ký thỏa thuận sửa đổi quy chế thương mại của Bắc Ireland hậu Brexit với EU nếu không có sự ủng hộ của đảng Hợp nhất dân chủ (DUP), chính đảng ủng hộ London lớn nhất tại Bắc Ireland.
Ông Cleverly cho biết, các cuộc đàm phán của Anh về Nghị định thư Bắc Ireland tập trung vào việc giải quyết các mối lo ngại của DUP. Trong khi đó, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, đa số cử tri Bắc Ireland, vốn trước đó phản đối Brexit, và đa số nghị sĩ được bầu vào nghị viện Bắc Ireland năm 2022 đã ủng hộ ý tưởng về Nghị định thư này.
Tuy nhiên, việc áp đặt kiểm tra đối với một số hàng hóa đến từ các khu vực khác của Vương quốc Anh vào Bắc Ireland đã khiến nhiều người ủng hộ Anh lo ngại sẽ làm suy yếu khối liên hiệp với Anh. Một cuộc thăm dò hằng quý do Đại học Queen’s Belfast (Bắc Ireland) công bố mới đây cho thấy, 53% số người được hỏi coi các quy định nhẹ nhàng hơn hiện tại là một phương tiện thích hợp để quản lý Brexit, giảm 1 điểm phần trăm trong 3 tháng qua. Con số phản đối đã tăng lên 38% từ mức 34% lần trước đó.
Những bế tắc liên quan đến thỏa thuận hậu Brexit khiến Chính phủ Anh đã phải thông báo gia hạn thêm một năm để Bắc Ireland tổ chức bầu cử và thành lập chính quyền mới. Theo đó, Anh sẽ lùi thời hạn chót để các đảng ở Bắc Ireland thành lập chính quyền đến ngày 18/1/2024, song vẫn sẽ bảo lưu quyền kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử vào bất cứ thời điểm nào từ nay đến thời gian nói trên.
Cơ hội củng cố hòa bình và thịnh vượng
Sự chậm trễ trong việc đạt được một thỏa thuận về quy chế thương mại giữa Anh và EU thời hậu Brexit khiến Mỹ lo ngại rằng tình hình bất ổn trên đảo Ireland - nơi phía Bắc là một phần của Anh và phía Nam là một phần của EU - có thể đe dọa thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" được ký năm 1998 nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên tại đây.
Bởi thế, sau thông tin thỏa thuận mới về Nghị định thư Bắc Ireland vừa đạt được giữa Anh và EU, Mỹ đã hoan nghênh và coi đây là cơ hội để cải thiện sự thịnh vượng, củng cố hòa bình trên toàn khu vực. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhấn mạnh, thỏa thuận mới về các quy tắc thương mại thời hậu Brexit là một bước đi thiết yếu bảo đảm duy trì và củng cố hòa bình cũng như sự tiến bộ của thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành".
Ông Biden bày tỏ tin tưởng người dân và các doanh nghiệp Bắc Ireland có thể tận dụng tối đa các cơ hội kinh tế do thỏa thuận này mang lại; đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tiềm năng kinh tế lớn của khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhận định, việc Anh và EU chấm dứt căng thẳng về quy chế thương mại ở Bắc Ireland sẽ giúp cải thiện sự thịnh vượng của cả hai bên, cũng như mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh việc Anh và EU đạt được thỏa thuận mới là một quyết định quan trọng giúp bảo vệ thỏa thuận "Ngày thứ Sáu tốt lành" cũng như thị trường nội địa của châu Âu.
Việc Anh và EU đạt thỏa thuận mới được coi là chiến thắng giúp củng cố vị thế của Thủ tướng Sunak trong đảng Bảo thủ cầm quyền và cho phép ông vượt qua vấn đề gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự của mình, trong bối cảnh đảng Bảo thủ đang bị Công đảng đối lập bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2024.
Trong trường hợp thất bại, ông Sunak có thể sẽ phải đối mặt với sự nổi dậy từ phe "hoài nghi châu Âu" trong đảng Bảo thủ, làm sống lại sự chia rẽ ý thức hệ sâu sắc đã có lúc làm tê liệt chính phủ kể từ cuộc bỏ phiếu để Anh rời mái nhà chung EU hồi năm 2016.
Ba năm sau khi Anh chính thức rời EU, hai bên đã thảo luận về cách thức thực hiện các thỏa thuận hậu Brexit về biên giới mở giữa Bắc Ireland (vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh) và Ireland, quốc gia thành viên EU. Sau nhiều căng thẳng và bất đồng, các bên đạt được thỏa thuận mới nói trên được cho là sẽ giúp xoa dịu phần lớn những tranh cãi hậu Brexit liên quan Nghị định thư Bắc Ireland, góp phần duy trì hòa bình và thúc đẩy sự phát triển ở khu vực.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh