Thứ 4, 13/11/2024, 07:03[GMT+7]

Italy chưa sẵn sàng phê chuẩn cải cách quỹ cứu trợ Eurozone

Thứ 5, 16/03/2023 | 10:01:38
1,412 lượt xem
Một số chính trị gia Italy, trong đó có Thủ tướng Meloni, đã chỉ trích cải cách quỹ cứu trợ 500 tỷ euro của Eurozone, cho rằng nó sẽ làm tăng nguy cơ tái cơ cấu khoản nợ quốc gia khổng lồ của Italy.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/3, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố “cần phải suy nghĩ thêm” trước khi chính phủ nước này có thể phê chuẩn một cải cách quỹ cứu trợ 500 tỷ euro (526,15 tỷ USD) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cho các quốc gia và ngân hàng bị tách khỏi thị trường.

Thủ tướng Meloni, người thường bày tỏ lo ngại về Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), nói với Quốc hội Italy rằng chính phủ sẽ không bao giờ tiếp cận cơ sở này và nói rằng thay vào đó, ESM nên được biến thành một công cụ chính sách công nghiệp.

Bà nói: “Nếu chúng ta tin rằng quy định ESM mới không phục vụ lợi ích quốc gia của Italy… thì đã đến lúc thảo luận về việc sử dụng nó như một công cụ của chính sách công nghiệp châu Âu.”

Italy là thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất chần chừ trong việc phê chuẩn cải cách trên.

Trước đây, một số chính trị gia Italy, trong đó có bà Meloni, đã chỉ trích cải cách này, cho rằng nó sẽ làm tăng nguy cơ tái cơ cấu khoản nợ quốc gia khổng lồ của Italy.

Theo cải cách, đã được thống nhất ở cấp độ EU năm 2021, nhưng vẫn chưa được phê chuẩn, ESM sẽ cung cấp một biện pháp hỗ trợ cho Quỹ giải quyết thống nhất (SRF), chịu trách nhiệm xử lý các ngân hàng phá sản.

ESM cũng giúp việc tái cơ cấu các khoản nợ quốc gia trong trường hợp cần thiết trở nên đơn giản hơn, điều mà những người chỉ trích tại Italy lo ngại sẽ khiến việc tái cơ cấu như vậy dễ xảy ra hơn.

ESM thường yêu cầu các quốc gia áp dụng các chương trình thắt lưng buộc bụng hoặc cải cách tài chính để đổi lấy sự hỗ trợ của họ.

Thủ tướng Meloni nói: “Chúng tôi muốn thảo luận về khuôn khổ chung của quản trị (kinh tế) châu Âu và khả năng để các nguồn lực, ngày nay đang được phân bổ cho 'gói cứu trợ' này, thực sự có thể hữu ích cho các quốc gia. Chừng nào tôi còn là Thủ tướng, Italy sẽ không bao giờ sử dụng ESM. Và tôi sợ rằng không ai khác sẽ có thể sử dụng quỹ này."

ESM được thành lập năm 2012, thay thế một quỹ tạm thời được thành lập năm 2010, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone. Cho đến nay, 5 quốc gia đã yêu cầu được ESM hỗ trợ là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Cộng hòa Cyprus./.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày