Chủ nhật, 10/11/2024, 05:41[GMT+7]

Nông dân Vũ Thư: Nghĩ rộng, làm lớn

Thứ 3, 02/05/2023 | 08:11:19
3,798 lượt xem
Phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún trước kia khiến suy nghĩ, tầm nhìn của nông dân xưa kia khó vượt qua “lũy tre làng”. Tuy nhiên, giờ đây nhiều nông dân trên địa bàn huyện Vũ Thư đã mạnh dạn bứt phá, đổi mới tư duy, trở thành nông dân chuyên nghiệp, bản lĩnh, có thể tạo ra thu nhập cao từ chính mảnh vườn, thửa ruộng ở làng quê.

Với 40ha, anh Nguyễn Văn Kiên, xã Tân Phong hiện là nông dân tích tụ ruộng đất quy mô lớn nhất huyện Vũ Thư.

Sẵn sàng “làm lớn”

Với 40ha ruộng, anh Nguyễn Văn Kiên, 34 tuổi, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong hiện là cá nhân tích tụ ruộng đất có quy mô lớn nhất huyện Vũ Thư. Từ một nông dân chỉ có hơn 1 sào ruộng và đi cày thuê, làm khoán cho người khác, năm 2017, Nguyễn Văn Kiên quyết định vận động, tích tụ 10ha đất hoang hóa của bà con và quy hoạch, cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa. Hiệu quả sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tạo động lực để anh tiếp tục đầu tư đồng bộ các loại máy móc, áp dụng cơ giới hóa để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, anh chủ động liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, không lo “được mùa, mất giá”. Hiện mỗi năm, anh Kiên sản xuất, cung cấp ra thị trường gần 500 tấn thóc, thu lợi nhuận hơn 500 triệu đồng và tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.

Sớm nhận ra những hạn chế của chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2015, gia đình anh Phạm Xuân Thủy, thôn 7, xã Vũ Đoài đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín để nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học, quy mô lớn. Với gần 20.000m2 chuồng trại, gia đình anh nuôi 3,5 lứa gà/năm, mỗi lứa từ 160.000 - 180.000 con và 2,5 lứa lợn/năm, mỗi lứa 1.000 con. Mỗi năm, anh Thủy xuất ra thị trường 1.500 tấn gà thịt và khoảng 350 tấn thịt lợn hơi, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, thu lãi 2 - 3 tỷ đồng. “Quy mô chăn nuôi của gia đình tôi hiện nay tương đương với quy mô chăn nuôi của 4 - 5 xã có ngành chăn nuôi phát triển trước kia. Nhờ đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại và an toàn sinh học giúp tôi kiểm soát tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, nhờ đó trang trại có thể cạnh tranh, phát triển bền vững như hiện nay” - anh Phạm Xuân Thủy, chủ nhân của danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng chia sẻ thêm.

Không riêng anh Kiên, anh Thủy, đến nay rất nhiều nông dân huyện Vũ Thư đã dám nghĩ dám làm, sẵn sàng thoát khỏi tư duy, cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước kia để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Minh chứng rõ nét là, nếu hơn 10 năm về trước, mỗi hộ chỉ cấy vài sào ruộng, hộ làm nhiều cũng chỉ có hơn 1 mẫu ruộng, nhưng đến nay toàn huyện đã có gần 200 nông dân tích tụ được gần 600ha đất nông nghiệp để cấy lúa và cây màu; trong đó quy mô tích tụ, sản xuất 40ha có 1 hộ, trên 11ha có 8 hộ, từ 5 - 10ha có 11 hộ, còn lại là các hộ sản xuất từ 1 - 5ha. Nông dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gấp 1,5 - 3 lần so với trước, nhiều hộ tích tụ và sản xuất cây màu, cây ăn trái, cây cảnh cho hiệu quả gấp hàng chục lần cấy lúa. Tương tự, thay vì mô hình chăn nuôi nông hộ, gia trại nhỏ lẻ, hiện nay nông dân Vũ Thư chuyển hướng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Toàn huyện hiện có 319 trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như trang trại chăn nuôi của ông Phạm Văn Tràng, ông Phạm Xuân Thủy (xã Vũ Đoài), ông Đỗ Văn Trưởng (xã Tân Lập)…

Anh Phạm Xuân Thủy (người bên phải), xã Vũ Đoài đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.

Nhà nông chuyên nghiệp

Làm chủ một trang trại có quy mô chăn nuôi 8,5 - 10 vạn con gà, 70 - 80 tấn cá/năm, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm, anh Phạm Mạnh Hùng, xã Vũ Đoài có lúc là công nhân điều khiển hệ thống máy móc tự động cho gà, cho cá ăn, có lúc lái ô tô gặp khách hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Hùng chia sẻ: Từ khi đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tôi tự chủ động học hỏi để nâng cao hiểu biết, nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi con gà, con cá mà tôi đang nuôi, đồng thời cũng học kỹ năng quản lý sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm khách hàng, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu các vấn đề xã hội, kinh tế trong nước và thế giới… Nếu nông dân không trau dồi các kiến thức, kỹ năng tổng hợp này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thậm chí có thể bị thua lỗ, thiệt hại nặng nề.

Gia đình anh Ngô Văn Chuẩn, xã Tân Phong sản xuất gắn với chế biến trên 400 tấn thóc/năm.

Anh Ngô Văn Chuẩn, thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong hiện tích tụ, sản xuất gần 30ha lúa/vụ, sản lượng đạt trên 400 tấn thóc/năm. Sau sản xuất, anh Chuẩn xay xát, chế biến thành sản phẩm gạo, liên kết với các đại lý, cửa hàng, chợ truyền thống cung cấp gạo cho thị trường trong tỉnh, nhờ đó hiệu quả sản xuất, kinh doanh được nâng cao. “Quy mô sản xuất, kinh doanh càng lớn thì đòi hỏi tầm nhìn càng rộng, tính chuyên nghiệp của người nông dân càng cao” - anh Chuẩn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Như, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Thư cho biết: Sản xuất nhỏ lẻ truyền thống rất khó cạnh tranh, tồn tại; liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Huyện Vũ Thư hiện có trên 43.000 nông dân, trong đó nhiều nông dân trẻ đã sớm nhận thức ra điều này và họ chủ động học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường và thu lợi nhuận từ sản phẩm mình làm ra, chuyển đổi mình thành nông dân chuyên nghiệp, có tầm nhìn và tư duy rộng hơn. Chính nhờ họ mới ra đời những cánh đồng, trang trại quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao như hiện nay.

Những nhà nông chuyên nghiệp, những người tiên phong, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để “làm lớn” đã góp phần lan tỏa hình ảnh nông dân Vũ Thư thông minh, chuyên nghiệp, góp phần cùng nông dân Thái Bình và cả nước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh trong tương lai.

Hà Phương