Chủ nhật, 10/11/2024, 09:35[GMT+7]

Người dân còn chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ 7, 20/05/2023 | 08:37:52
1,553 lượt xem
Hiện nay, nhận thức của người dân về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã được nâng lên song sự quan tâm, thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch lại chưa đúng mức. Một bộ phận người dân trong tỉnh vẫn còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

Cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lấy mẫu bọ gậy ở một số dụng cụ chứa nước đọng lâu ngày tại tổ 19, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình).

Ghi nhận có ca mắc SXH trong năm 2022, dù chính quyền địa phương, cán bộ, nhân viên y tế đã tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường và thực hiện phun thuốc muỗi, thế nhưng tại một số hộ dân khu vực tổ 19, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) vẫn còn những lọ hoa, dụng cụ phế thải chưa được lật úp, chứa nước đọng lâu ngày. Qua giám sát, cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phát hiện có bọ gậy trong những dụng cụ chứa nước đọng và muỗi truyền bệnh SXH.

Trên thực tế, tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh SXH không phải hiếm gặp, kể cả ở nơi đã từng ghi nhận có ca mắc. Với đặc tính sinh học muỗi truyền bệnh SXH thích đẻ trứng ở những nơi đọng nước như: bể chứa nước mưa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt không đậy nắp, lọ hoa, lốp cao su hoặc những dụng cụ phế thải xung quanh nhà có chứa nước mưa... Song một bộ phận người dân lại có thói quen tích trữ nước sinh hoạt, không xử lý các dụng cụ phế thải, phế liệu. Điều này vô tình tạo môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển, truyền bệnh SXH. Bên cạnh đó, việc tổng vệ sinh môi trường ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, chỉ tập trung vào thời điểm ghi nhận ca mắc, sau đó lại lơ là.

Năm 2022 là năm cả nước ghi nhận số ca bệnh SXH cao với hơn 360.000 trường hợp mắc. Những tháng đầu năm 2023, SXH cũng gia tăng ca mắc ở một số tỉnh, thành phố. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh SXH, năm nay, cùng với việc chủ động giám sát, phát hiện, xử lý các ổ dịch của ngành y tế các địa phương, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cũng đã phối hợp với trung tâm các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống dịch trước khi dịch SXH bước vào mùa. 

Bác sĩ Vũ Trọng Dược, Trưởng Văn phòng SXH, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: So với cùng kỳ mọi năm, dịch SXH năm nay có sự gia tăng hơn về số ca mắc. Tại Thái Bình, SXH vẫn được kiểm soát, chưa có diễn biến phức tạp. Qua giám sát một số ổ dịch cũ ở địa phương trong tỉnh, chúng tôi thấy nhiều gia đình vẫn còn dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Trao đổi thực tế người dân đã cơ bản hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH, có ý thức phòng, chống dịch song vẫn còn có người chủ quan, chưa ý thức được nếu trong nhà còn dụng cụ chứa nước đọng như: lọ hoa, chậu, xô... đựng nước sạch liên tục trong thời gian dài có thể tạo môi trường cho muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng. Bên cạnh đó, một số hộ từ chối yêu cầu kiểm tra dụng cụ chứa nước đựng trong nhà. Các ổ dịch cũ từ năm trước cũng dễ xảy ra dịch bởi ở đâu đó vẫn còn virus Dengue lưu hành ở muỗi hoặc trứng muỗi. Do vậy, nếu muỗi - véc tơ truyền bệnh phát tán rộng thì có thể xuất hiện những ổ dịch SXH mới.  

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 21 ca mắc SXH, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Các ca mắc chủ yếu là các ca nội sinh. Điều này cho thấy mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, có thể làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch.

Bác sĩ Vũ Trọng Dược cho biết thêm: Có nhiều nguyên nhân khiến ca mắc SXH tăng như: điều kiện ngoại cảnh, khí hậu... Qua nghiên cứu của chúng tôi, những năm nhiệt độ nóng, lượng mưa nhiều, muỗi sẽ phát triển. Khi muỗi phát triển, muỗi mang mầm bệnh virus Dengue sẽ khuyếch tán bệnh ra cộng đồng. 

Bên cạnh đó, bệnh truyền nhiễm nói chung, SXH nói riêng có tính chất chu kỳ. Nếu trong khoảng 3 - 4 năm trong cộng đồng không xảy ra dịch thì lượng người có miễn dịch với SXH thấp. Có mầm bệnh và muỗi thì dịch dễ bùng phát, lây lan. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác như: sự gia tăng đô thị hóa, mật độ dân số cao sẽ khiến muỗi lan truyền bệnh nhanh hơn... Để phòng, chống bệnh SXH nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc thì rất khó mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, nguyên nhân phát triển dịch bệnh, từng gia đình, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, thường xuyên quản lý, thu gom dụng cụ chứa nước đọng, góp phần làm giảm mật độ muỗi, bọ gậy ở địa phương, từ đó mới giảm được số ca mắc SXH trong cộng đồng.

Cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy mẫu bọ gậy ở một số dụng cụ chứa nước đọng lâu ngày tại tổ 19, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình).

Hoàng Lanh