Chủ nhật, 10/11/2024, 09:38[GMT+7]

Công tác tuyên truyền góp phần duy trì thành quả phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 5, 25/05/2023 | 17:17:27
1,173 lượt xem
3 năm qua, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề trên toàn cầu. Bám sát chỉ đạo của trung ương, các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh vừa tăng cường phối hợp phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định mọi mặt đời sống xã hội. Trong thành quả chung đó có những đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền.

Học sinh trên địa bàn huyện Tiền Hải tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “bốn tại chỗ”, “thần tốc, đồng bộ, toàn dân, hiệu quả”; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu kiên trì với 5 nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”. Phát huy vai trò của tổ tự quản, tổ Covid cộng đồng ở cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời phát hiện, truy vết, quản lý những trường hợp nguy cơ cao, xét nghiệm, cách ly, điều trị kịp thời; sẵn sàng về tinh thần, lực lượng, cơ sở vật chất nhanh chóng chuyển sang trạng thái mới “từ phòng ngự sang chủ động tấn công”, nâng cao cấp độ trong công tác phòng, chống dịch phù hợp với tình hình diễn biến của dịch trên địa bàn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong thực hiện mục tiêu kép.

Thông qua các giải pháp sáng tạo, thiết thực hiệu quả như: việc thiết lập mạng lưới các đầu mối thu thập, xử lý, phân tích các thông tin với 433 đầu mối  từ tỉnh tới cơ sở đã giúp ban chỉ đạo các cấp nắm chắc thông tin, chỉ đạo, điều hành xuyên suốt, hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch; triển khai thí điểm phần mềm quản lý, theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; tham gia chương trình điều trị thử nghiệm thuốc Molnupiravir và một số thuốc điều trị Covid-19 do Bộ Y tế triển khai; triển khai vận hành đầu số tổng đài 18009402 về hướng dẫn điều trị F0 tại nhà do Trường Đại học Y Dược Thái Bình đảm nhiệm; chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, cao điểm là “chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mùa xuân”…; tổ chức thành lập 7 tổ công tác liên ngành tại các cửa ngõ để thực hiện kiểm soát người và phương tiện ra, vào tỉnh trong thời gian cách ly và cao điểm của dịch; thành lập 54 tổ tuần tra trên địa bàn huyện, thành phố và 1.600 tổ tự quản thực hiện việc kiểm soát tại cơ sở. Hiện tại tỉnh đã cơ bản hoàn thành các đợt tiêm theo số lượng vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng tiến độ.

Trong công tác tuyên truyền, các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng phương châm “Truyền thông đi trước”, chủ động giải thích rõ, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giải tỏa bức xúc của người dân; giúp người dân hiểu và chia sẻ những khó khăn, tích cực ủng hộ và tự giác tham gia phòng, chống dịch. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, đăng tải thông tin trên bản tin Thông báo nội bộ, Cổng thông tin điện tử Thái Bình, “Sổ tay đảng viên điện tử”…, kịp thời cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. 

3 năm qua, đã có hơn 300 tin, bài được đăng tải trên các nền tảng của các cơ quan báo chí trung ương phản ánh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã xây dựng và phát sóng trên 3.180 tin bài, phóng sự trên sóng phát thanh, truyền hình; Báo Thái Bình có trên 2.500 tin, bài, ảnh, video clip tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 đăng tải trên báo in và Báo Thái Bình điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng thông tin qua các app điện tử được đông đảo người dân cài đặt và sử dụng thường xuyên như: Bluezone, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử.... Toàn tỉnh đã in, phát 3.000 áp phích, 400.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, thiết lập và triển khai có hiệu quả đường dây nóng (tổng đài 18009402 đã tiếp nhận trên 11.131 cuộc gọi, trả lời tự động trên hệ thống); các doanh nghiệp viễn thông đã gửi trên 6,2 triệu lượt tin nhắn đến các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin đến người dân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Truyền thông trên mạng xã hội zalo, viber, facebook... được chú trọng phát huy với nội dung sinh động, phong phú, đa dạng. Thông qua đó, kịp thời cung cấp và xử lý các vấn đề được dư luận quan tâm: thông tin về các ca bệnh mới; thông tin về các tin đồn không chính xác; thông tin về quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19; cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân test Covid-19 tại nhà...

Công tác tuyên truyền cũng đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ người dân trong và ngoài tỉnh gặp khó khăn do đại địch Covid-19. 3 năm qua, các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tích cực quyên góp ủng hộ về kinh phí, vật tư y tế tham gia phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị hiện vật khác; đã huy động lực lượng trên 800 cán bộ giảng viên, sinh viên ngành y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại tâm dịch; huy động 3.056 cán bộ y tế và hàng trăm sinh viên Trường đại học Y Dược Thái Bình, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình tình nguyện tham gia 7 chốt liên ngành của tỉnh; nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực hỗ trợ cho các trạm y tế ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ quản lý xét nghiệm cách ly điều trị bệnh nhân…

Covid-19 là đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá dịch Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai; dự báo nguy cơ dịch có thể gia tăng hoặc bùng phát ở bất cứ địa phương, bất cứ khi nào với các mức độ khác nhau. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đang có xu hướng gia tăng trở lại. Từ kết quả và những kinh nghiệm thời gian qua, trong thời gian tới trọng tâm công tác tuyên truyền tiếp tục chú trọng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉ đạo của trung ương và của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Tuyên truyền, vận động người dân tự giác nâng cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch: lan tỏa thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (2K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác); thực hiện tiêm chủng vắc-xin đầy đủ khi đến lịch, khi có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19  phải xét nghiệm và chủ động thực hiện cách ly, khai báo y tế theo quy định. Tiếp tục phát huy mô hình tổ Covid-19 cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Cùng với công tác tuyên truyền, việc tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường giám sát chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho các nhóm đối tượng... sẽ là những giải pháp góp phần khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Đỗ Thị Yến 

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)