Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Nhà khoa học có đóng góp lớn trong ứng dụng công nghệ mạ siêu sạch PVD

Thứ 2, 12/06/2023 | 09:48:50
1,432 lượt xem
Với tâm huyết và nỗ lực bền bỉ, 35 năm qua, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn đã nghiên cứu, nắm bắt, làm chủ nhiều ứng dụng khoa học, đặc biệt là công nghệ mạ màng mỏng quang học (PVD) siêu sạch.

Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn (đứng thứ hai từ trái sang). (Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ)

Trải qua 35 năm kiên trì theo đuổi chuyên môn và thầm lặng nghiên cứu, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn, hiện là Giám đốc Trung tâm Quang Điện tử, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có nhiều đóng góp, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, khắc phục khó khăn, từng bước tiếp cận làm chủ một số công nghệ mạ màng mỏng quang học (PVD) quan trọng và ứng dụng thành công trong thực tế tại Việt Nam.

Với những đóng góp lớn của mình cho khoa học, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn vinh dự là một trong những gương tiêu biểu tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2022.

PVD là viết tắt của thuật ngữ Physical Vapor Deposition, nghĩa là "sự lắng đọng hơi vật lý." Trong quá trình mạ PVD, vật liệu rắn được bốc hơi trong môi trường chân không và lắng đọng trên chất nền dưới dạng màng mỏng vật liệu đơn chất hoặc hợp chất.

Mạ PVD là phương pháp quan trọng đang được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất như chế tạo vi mạch, thiết bị bán dẫn, các màng bảo vệ bền vững, ống kính quang học, tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị y tế, đồ gia dụng.

Công nghệ mạ này đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới nhưng vào thời điểm cuối những năm 1980 ở Việt Nam vẫn chưa phổ biến.

Kỹ sư trẻ Phạm Hồng Tuấn tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự năm 1983, chuyên ngành Khí tài quang học. Năm 1988, anh được tuyển dụng vào Viện Công nghệ quang học thuộc Viện Công nghệ quốc gia và được phân công ngay vào nhóm nghiên cứu công nghệ mạ màng mỏng quang học.

Trong giai đoạn 1988-2000, công tác nghiên cứu gặp vô vàn khó khăn: chưa từng được đào tạo về chuyên môn liên quan, số thành viên ít ỏi ban đầu của nhóm dần rời đi, nghiên cứu thiếu địa chỉ ứng dụng rõ ràng; kinh phí hỗ trợ cho thực nghiệm hầu như rất ít, nhưng kỹ sư Tuấn vẫn kiên trì bám trụ, tự mày mò tìm học các kiến thức cơ bản của mạ quang học (PVD) (thiết kế hệ màng mỏng quang học, kỹ thuật chân không, phương pháp mạ màng mỏng quang học…).

Cũng trong giai đoạn này, kỹ sư Tuấn tiếp tục học nâng cao, năm 2000 tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Cơ khí chính xác Quang học, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 1994, Viện Công nghệ quốc gia chuyển về trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Viện Ứng dụng Công nghệ. Theo đó, các đề tài nghiên cứu khoa học; hoạt động hợp tác quốc tế bắt đầu được cấp kinh phí phát triển; trang thiết bị mới được đầu tư, bổ sung.

Nhờ vậy những phương pháp công nghệ mới đã dần từng bước được tiếp cận như công nghệ bốc bay chùm tia điện tử (năm 1997); phún xạ magnetron (năm 1999); phần mềm thiết kế màng mỏng quang học (năm 2001); phương pháp bốc hơi có trợ giúp của ion IAD (năm 2001); phún xạ cao tần RF (năm 2002); phún xạ xung magnetron (năm 2008)…

Là thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, Thạc sỹ Tuấn và Tiến sỹ Đặng Xuân Cự (Viện phó Viện Ứng dụng Công nghệ) đã thiết lập được quan hệ hợp tác khoa học với các đối tác quan trọng ở Cộng hòa Liên bang Đức liên quan đến công nghệ mạ PVD như: Trung tâm Laser Hannover; Viện Fraunhof Jena; Đại học TU-Chemnitz; Công ty VTD GmbH; Công ty Laser Optik GmbH...

Nhờ những quan hệ này mà Viện đã nhanh chóng tiếp cận được những công nghệ mạ PVD đạt trình độ hàng đầu thế giới, tạo tiền đề để giai đoạn sau năm 2012, nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ mạ quang học tiên tiến cho nhiều nhà máy quang học của Quốc phòng.

Năm 2007, với đề tài “Nghiên cứu nâng cao chất lượng màng mỏng quang học bằng phương pháp bốc hơi có sự trợ giúp của chùm ion," Thạc sỹ Tuấn đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Giai đoạn từ năm 2000-2022, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn đã chủ trì, và là thành viên chính của 16 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, là tác giả của 46 bài báo công bố tại nhiều Hội nghị và tạp chí trong và ngoài nước.

Để có điều kiện phát triển định hướng chuyên môn mạnh hơn nữa, năm 2008, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Quang Điện tử, trong bối cảnh đơn vị rất khó khăn, tổ chức rời rạc thiếu định hướng, số người có năng lực chiếm tỷ lệ nhỏ, không có sản phẩm có khả năng thương mại.

Ngoài quản lý, đào tạo, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn luôn trăn trở và nỗ lực để sử dụng thật hiệu quả kinh phí từ các dự án đầu tư tăng cường trang thiết bị, để bổ sung thiết bị công nghệ mới, tạo lợi thế và sự khác biệt cho sản phẩm của đơn vị; đồng thời tăng cường trao đổi với các đối tác tiềm năng để xác định chính xác nhu cầu có khả năng thương mại, qua đó xây dựng các đề cương nghiên cứu tốt, nâng cao dần năng lực của đơn vị.

Nha khoa hoc co dong gop lon trong ung dung cong nghe ma sieu sach PVD hinh anh 2Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn tại nơi làm việc. (Ảnh: Trung tâm Quang Điện tử)

Để cập nhật những thành tựu mới nhất, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn đã tham gia nhiều kỳ hội thảo quốc tế, trao đổi chuyên môn với một số Viện nghiên cứu, Đại học ở Cộng hòa Liên bang Đức...; áp dụng phối hợp 3 chân kiềng: Nghiên cứu-Dịch vụ khoa học kỹ thuật-Thương mại sản phẩm mạ PVD, giúp cho đơn vị tiếp cận trực tiếp hơn với nhu cầu thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả của nghiên cứu.

Đáng chú ý, thông qua những hoạt động hợp tác quốc tế, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn đã lãnh đạo đơn vị hình thành định hướng chuyên môn mới tại Viện, đó là lĩnh vực Quang cơ Điện tử.

Sau 10 năm nghiên cứu 2012-2022, ngày 31/5/2023, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu tại Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã vinh dự được trao Giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC 2022) lĩnh vực Cơ khí-Tự động hóa với Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống quét 3D vật thể bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng mã Gray và dịch đường," trong đó một hệ thống thiết bị quét 3D có độ chính xác cao “made in Việt Nam” đã được chế tạo.

Thiết bị này đã được ứng dụng thành công tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng.

Tiến sỹ Trần Xuân Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ đánh giá, với đam mê nghiên cứu, quyết tâm và kiên trì theo đuổi mục tiêu, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong nhiều năm nghiên cứu khoa học, xứng đáng là một trong những điển hình tiên tiến tiêu biểu trong năm 2022.

Đối với tập thể cán bộ Viện Ứng dụng Công nghệ, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn là một tấm gương về khả năng làm việc khoa học, năng lực chuyên môn, luôn sát sao với công việc, cẩn thận và đòi hỏi cao về hiệu quả.

Đối với cán bộ trẻ, sự quan tâm, dìu dắt của Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn không chỉ với tư cách một người đồng nghiệp đi trước mà còn như một người thân, một chỗ dựa vững chắc.

Hy vọng với hoài bão, tài năng và sự miệt mài vốn có của mình, Tiến sỹ Phạm Hồng Tuấn tiếp tục có những đóng góp có giá trị to lớn hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của nước nhà.

Theo vietnamplus.vn