Thứ 7, 23/11/2024, 12:50[GMT+7]

Đức đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi năng lượng

Thứ 5, 15/06/2023 | 10:53:46
1,141 lượt xem
Liên minh cầm quyền ở Ðức gồm các đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã nhất trí ngay trong tuần này sẽ thảo luận tại Quốc hội về việc sửa đổi Ðạo luật Năng lượng cho các tòa nhà (GEG).

Một nhà máy điện mặt trời tại Đức. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng tranh cãi, việc được đưa ra thảo luận kịp thời ở cơ quan lập pháp sẽ tạo cơ hội để “đạo luật sưởi ấm” này có thể được thông qua trước kỳ nghỉ hè. Ðây là bước đi quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng của Ðức nhằm đạt mục tiêu về trung hòa khí thải.

Chưa có một dự án nào của liên minh cầm quyền ba đảng - được gọi là “liên minh đèn giao thông” - lại gây nhiều tranh cãi như dự luật thay thế các hệ thống sưởi bằng dầu và khí đốt cũ, hay còn được gọi là “đạo luật sưởi ấm” GEG. Với dự luật mới, Chính phủ Ðức muốn bảo đảm cho mục tiêu bảo vệ khí hậu hiệu quả hơn khi sưởi ấm.

Theo dự luật, từ năm 2024, mọi hệ thống sưởi ấm mới được lắp đặt phải được vận hành với ít nhất 65% năng lượng xanh. Tuy nhiên, sẽ không có thiết bị sưởi nào vẫn còn hoạt động phải thay thế, trong khi những thiết bị hỏng cũng có thể được sửa chữa. Quá trình chuyển đổi này sẽ được hỗ trợ từ nguồn tài trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, dự luật mới còn vạch ra kế hoạch thực hiện giai đoạn chuyển tiếp cũng như các quy định nghiêm ngặt liên quan.

Lãnh đạo ba đảng trong liên minh cầm quyền đàm phán về dự luật sửa đổi để có thể sớm đưa ra thảo luận tại Quốc hội Ðức, song tranh cãi đã nảy sinh, đặc biệt là giữa đảng Xanh và FDP, khiến tiến trình thương lượng rơi vào bế tắc và buộc Thủ tướng Olaf Scholz phải can thiệp. Ðảng đoàn FDP tại Quốc hội Ðức trước đó yêu cầu dự luật phải có sự thay đổi cơ bản, trong đó cần chú trọng hơn tới lựa chọn sưởi ấm với nguyên liệu là hydro, kêu gọi duy trì “thuế hiện đại hóa” với chi phí có thể được chuyển cho bên thuê nhà.

Tuy nhiên, bảo vệ người thuê nhà lại là yêu cầu trọng tâm của SPD. Ðảng Xanh gần đây đã đề xuất một số điều chỉnh đối với dự luật, trong đó đề nghị nghĩa vụ lắp đặt hệ thống sưởi thân thiện với khí hậu từ năm 2024 ban đầu chỉ nên áp dụng đối với các tòa nhà mới, trong khi cho thêm thời gian chuyển đổi đối với các tòa nhà hiện tại.

Sau cuộc gặp của Thủ tướng Scholz (thuộc SPD), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck thuộc đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc FDP với lãnh đạo nhóm nghị sĩ trong liên minh cầm quyền, các bên nhất trí sẽ đưa dự luật mới vào chương trình nghị sự của Quốc hội Ðức ngay trong tuần này.

Sáng 13/6 vừa qua, các nhóm nghị sĩ trong Quốc hội vẫn chưa thể thống nhất về việc đưa dự luật vào chương trình nghị sự, nhưng sau khi đạt được sự đồng thuận vào buổi chiều cùng ngày, kế hoạch đã được đưa vào lịch làm việc của Quốc hội Ðức. Một số chi tiết còn gây tranh cãi sẽ tiếp tục được các đảng thảo luận để đi tới thống nhất.

Theo kế hoạch, luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Ðây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Ðức.


Trong thỏa thuận liên minh cầm quyền, các đảng nhất trí sẽ đạt được đạo luật GEG mới vào năm 2025. Tuy vậy, hồi tháng 3/2022, dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, “liên minh đèn giao thông” đã nhất trí thúc đẩy thông qua đạo luật này sớm hơn một năm. Theo kế hoạch, luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Ðây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Ðức.

Theo Bộ Kinh tế Ðức, gần một nửa trong số khoảng 41 triệu hộ gia đình ở nước này sưởi ấm bằng khí đốt, tiếp theo là sưởi ấm bằng dầu chiếm gần 25% và sưởi ấm từ xa với 14%, còn lại là sưởi bằng điện hoặc bơm nhiệt. Việc chuyển đổi năng lượng sẽ giúp Ðức tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung khí đốt đang ngày càng khan hiếm, đồng thời thực hiện các cam kết đưa ra về chống biến đổi khí hậu.

Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt, Ðức đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu muộn nhất vào năm 2045 sẽ đạt trung hòa về khí thải. Cùng với việc nỗ lực phát triển các công nghệ mới tiên tiến và xanh hơn, việc chính phủ thúc đẩy ban hành một “đạo luật sưởi ấm” sẽ hỗ trợ hoàn thành mục tiêu của quốc gia đầu tàu châu Âu về chuyển đổi năng lượng nhanh và bền vững.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày