Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Trao hiện vật quý về Chủ tịch Hồ chí Minh cho Văn phòng TW Đảng

Thứ 7, 01/07/2023 | 08:12:51
1,521 lượt xem
Hội người Việt tại Liên bang Nga đã trao cho Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bản gốc Báo Sự thật số ra ngày 27/1/1924 trong đó có bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Đỗ Xuân Hoàng trao cho ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bản gốc tờ Báo Sự thật. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân tới Liên Xô (30/6/1923-30/6/2023), tối 29/6, trong khuôn khổ tiệc Thống đốc thành phố St. Petersburg (Liên bang Nga) Alesander Beglov chiêu đãi các khách quý Việt Nam tham dự lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Hội người Việt tại Liên bang Nga, Chủ tịch Hội - ông Đỗ Xuân Hoàng, đã trao cho ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bản gốc Báo Sự thật số ra ngày 27/1/1924 trong đó có bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là số báo chuyên biệt, khổ giấy đặc biệt, đăng các bài viết vĩnh biệt Lãnh tụ của Giai cấp Vô sản Vladimir Ilich Lenin. Trong những bài viết này, trên trang 2 tờ báo đăng bài viết của Nhà Cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc với nhan đề “Lenin và các dân tộc thuộc địa." 

Với niềm xúc động mạnh mẽ, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ ý nghĩa vĩ đại của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Lenin đối với vấn đề các dân tộc thuộc địa. Bài viết thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân bị áp bức ở phương Đông và ở các thuộc địa đối với Lãnh tụ Lenin.

Bài viết của Nhà Cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc được đăng bên cạnh bài viết của các nhân vật Xô Viết và Quốc tế Cộng sản nổi tiếng khác. Là tác giả duy nhất đại diện cho các dân tộc thuộc địa trong số báo đặc biệt này, Nhà Cách mạng trẻ Nguyễn Ái Quốc khi đó đã được quốc tế nhìn nhận như một lãnh tụ tương lai kiệt xuất của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Trang nhất Báo Sự thật số 22, Thứ Ba, ngày 27/01/1924. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Số báo đặc biệt này là kết quả quá trình tích cực tìm kiếm và sưu tập của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga, thể hiện sự trân trọng lịch sử gian lao và vinh quang của đất nước, những đóng góp vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, đồng thời ghi nhận những tình cảm tốt đẹp và sự hỗ trợ quý báu của bạn bè quốc tế mà đặc biệt là Nhân dân Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay, đối với sự nghiệp giành độc lập, chống ngoại xâm, thống nhất và phát triển đất nước Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Đỗ Xuân Hoàng cho biết với cá nhân ông, việc tìm thấy tư liệu quý này là sự khích lệ rất lớn “bởi lịch sử giúp chúng ta hành xử đúng hơn trong hiện tại, hiểu được tương lai, đồng thời giá trị lịch sử càng về sau sẽ càng có giá trị đối với từng dân tộc."

Cũng theo ông Đỗ Xuân Hoàng, theo luật hiện hành, tất cả tài liệu quá 100 năm sẽ không được phép mang ra khỏi Liên bang Nga. Tuy nhiên, số báo này có tuổi đời hơn 99 năm theo xác nhận của cơ quan kiểm định nên hoàn toàn có thể hợp pháp mang ra khỏi Liên bang Nga./.

Theo Vietnam+