Thứ 4, 13/11/2024, 07:02[GMT+7]

Yêu cầu cấp bách thúc đẩy bình đẳng giới

Thứ 4, 12/07/2023 | 17:42:49
1,752 lượt xem
“Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” là chủ đề Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay.

Ảnh: UNFPA.

Nhân dịp này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) kêu gọi các nước huy động sức mạnh tổng thể của mọi người dân nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay.

Theo UNFPA, chỉ sáu quốc gia trên thế giới có hơn 50% chính trị gia trong quốc hội là nữ. Hơn hai phần ba trong tổng số 800 triệu người không biết đọc trên thế giới là phụ nữ. Trong khi đó, cứ hai phút lại có một phụ nữ chết do mang thai hoặc sinh con...

Trong khi đó, cứ hai phút lại có một phụ nữ chết do mang thai hoặc sinh con... Những con số này phần nào phác họa bức tranh u ám về vấn đề bình đẳng giới hiện nay.

UNFPA nhấn mạnh, phụ nữ và trẻ em gái chiếm tới 49,7% dân số toàn cầu, song những nguyện vọng, quyền lợi hợp pháp của “một nửa thế giới” này thường bị phớt lờ trong các cuộc thảo luận về nhân khẩu học. Sự bất công còn khá phổ biến, khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, làm việc và giữ các vị trí lãnh đạo.

Nguồn gốc của tình trạng nêu trên là bất bình đẳng giới. Trong báo cáo công bố mới đây, Liên hợp quốc nhấn mạnh, thế giới không đạt tiến bộ về bình đẳng giới trong 10 năm qua, khi những thành kiến tiếp tục cản trở trao quyền cho phụ nữ.

Theo đó, mặc dù các phong trào xã hội và nhóm hoạt động vì nữ quyền ngày càng phổ biến, song những định kiến xã hội và tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đã cản bước tiến của thế giới trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng.

Thu hẹp bất bình đẳng giới là thách thức lớn, song chỉ là một trong số rất nhiều thách thức mà thế giới phải vượt qua trên hành trình xây dựng tương lai bền vững cho hơn 8 tỷ người trên trái đất hiện nay.

Liên hợp quốc ước tính, dân số toàn cầu sẽ cán mốc 9,7 tỷ người vào năm 2050 và 10,9 tỷ người năm 2100. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng dân số cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể khi tuổi thọ trung bình tăng, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em giảm đáng kể.

Tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới dự kiến tăng từ 72,8 tuổi năm 2019 lên 77,2 tuổi năm 2050. Những thành quả nêu trên là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của thế giới trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, tuổi thọ tăng trong khi mức sinh giảm đã dẫn đến xu hướng già hóa dân số tại nhiều nước trên thế giới. Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, cứ 100 người Italia dưới 15 tuổi thì có tới 187 người từ 65 tuổi trở lên. Già hóa dân số cũng là nỗi lo chung của Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp… Gánh nặng dân số già không chỉ kéo theo hệ lụy thiếu lao động, mà còn đặt ra bài toán khó trong duy trì hệ thống lương hưu, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều vấn đề cấp bách như xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, khủng hoảng lương thực... Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) cảnh báo, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng trên khắp Đông Phi và vùng Sừng châu Phi trong năm 2023, khi 30 triệu người cần được hỗ trợ lương thực.

Trong khi đó, xung đột và đói nghèo cũng khiến hàng trăm triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Báo cáo mới đây của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, số người buộc phải đi lánh nạn đã tăng lên mức kỷ lục là 110 triệu người.

Ngoài ra, thế giới cũng đang chứng kiến mức độ đô thị hóa cao và tốc độ di cư tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2050, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Xu hướng này tác động sâu rộng đến nền kinh tế, thị trường việc làm, mức thu nhập, tình trạng nghèo đói và bảo trợ xã hội. Đó cũng là trở ngại đối với nỗ lực bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm và năng lượng.

Trước thực trạng nêu trên, Ngày Dân số Thế giới năm 2023 nêu bật yêu cầu cấp bách thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời cũng truyền đi thông điệp kêu gọi thế giới biến thách thức thành cơ hội để xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp cho hơn 8 tỷ người trên hành tinh.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày