Thứ 7, 23/11/2024, 18:21[GMT+7]

Chặn nguy cơ khủng hoảng nhân đạo lan rộng ở Đông Phi

Thứ 7, 15/07/2023 | 05:32:58
941 lượt xem
Các nhà lãnh đạo Chad, Eritrea, Ethiopia, Nam Sudan đã đến thủ đô Cairo của Ai Cập, dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia láng giềng Sudan. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Sudan tái bùng phát, kéo theo những hệ lụy khôn lường từ dòng người tị nạn gia tăng. Hội nghị tập trung tìm giải pháp giúp chấm dứt bạo lực tại Sudan và hạn chế tác động tới các nước láng giềng.

Gia súc chết do hạn hán tại Kajiado, Kenya ngày 21/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị thượng đỉnh các nước láng giềng Sudan xem xét các ý tưởng và đề xuất nhằm chấm dứt xung đột vũ trang ở quốc gia Đông Phi này, vốn đã được bàn thảo trước đó, gồm cả hội nghị của Cơ quan liên Chính phủ về phát triển (IGAD). Các nhà lãnh đạo của những quốc gia láng giềng Sudan cũng thảo luận về cơ chế nhằm đối phó với tình hình nhân đạo nghiêm trọng do hàng nghìn người tị nạn Sudan sơ tán sang các nước láng giềng tránh bạo lực. Hội nghị tìm cách bảo đảm an ninh và sự ổn định của toàn khu vực, hướng tới mục tiêu xây dựng một tầm nhìn chung, cũng như thống nhất về các cơ chế hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng Sudan bằng biện pháp hòa bình.

Theo ước tính của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ khi giao tranh nổ ra tại Sudan gần ba tháng trước, hơn 2,4 triệu người đã phải sơ tán trong nước và hơn 730.000 người ra nước ngoài lánh nạn. Ai Cập ở phía bắc và CH Chad ở phía tây là những quốc gia phải chịu tác động nhiều nhất từ dòng người tị nạn Sudan.

Đây là nỗ lực khu vực và quốc tế mới nhất nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Sudan. Nếu cuộc khủng hoảng này tiếp tục kéo dài có thể đe dọa tới sự ổn định của vùng Sừng châu Phi, Biển Đỏ, khu vực Bắc Phi, Sahel, Trung Phi, sông Nile và khu vực Hồ Lớn của châu Phi.

Giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự (RSF) nổ ra từ giữa tháng 4 vừa qua, đến nay đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Tình hình nhân đạo tại Sudan hiện rất nghiêm trọng, khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartoum không còn nước sạch, chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ thường xuyên bị cướp bóc. Giao tranh khiến nhiều vùng rộng lớn ở thủ đô Khartoum bị bỏ hoang, kéo theo làn sóng tấn công ở Darfur. Người dân phải đối mặt với nạn trộm cắp, thiếu thức ăn và nước uống, các dịch vụ chăm sóc y tế gián đoạn trong khi bạo lực tình dục cũng trở thành mối đe dọa. 

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở Sudan, IGAD đã kêu gọi hai bên tham chiến ngừng bắn vô điều kiện, không xác định thời hạn, cũng như đề ra cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả. IGAD bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc giao tranh dai dẳng hiện nay, đồng thời cho biết đã nhất trí yêu cầu tổ chức cuộc họp của Lực lượng thường trực Đông Phi để xem xét khả năng triển khai lực lượng này nhằm bảo vệ dân thường và bảo đảm tiếp cận nhân đạo ở Sudan. 

Tại cuộc họp của IGAD, các đại diện 8 quốc gia trong và chung quanh vùng Sừng châu Phi đã hối thúc xây dựng một tiến trình hòa bình cho Sudan. Tuy nhiên, chỉ có RSF cử đại diện tham dự cuộc họp, trong khi phái đoàn quân đội Sudan từ chối có mặt do phản đối tư cách chủ trì các cuộc đàm phán của Kenya. Sudan cho rằng Kenya đang ủng hộ lực lượng RSF đối địch. 

Sau khi cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, quân đội Sudan và lực lượng RSF đã cùng chia sẻ quyền điều hành đất nước với các tổ chức dân sự. Đến năm 2021, hai lực lượng này giành quyền kiểm soát hoàn toàn nhưng sau đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn về kế hoạch chuyển tiếp chính quyền hướng tới tổ chức tổng tuyển cử. Kể từ khi giao tranh giữa hai lực lượng này bùng phát, các nỗ lực quốc tế nhằm hòa giải hai bên và chấm dứt giao tranh không đạt tiến triển rõ nét, trong đó có cuộc hòa đàm do Saudi Arabia và Mỹ chủ trì diễn ra tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia và một hội nghị khác do các nước châu Phi tổ chức ở Addis Abada của Ethiopia mới đây.

Xung đột kéo dài đẩy Sudan vào tình trạng gần như bị cô lập và một cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ lan rộng, đe dọa an ninh ổn định của các nước láng giềng. Tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại nhằm chấm dứt xung đột ở Sudan là biện pháp duy nhất nhằm duy trì sự ổn định của khu vực Đông Phi.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày