Thứ 4, 13/11/2024, 06:49[GMT+7]

Triển vọng khó đoán định của kinh tế thế giới

Thứ 2, 17/07/2023 | 09:40:35
1,924 lượt xem
Trong báo cáo gửi các lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trước thềm cuộc họp của G20 tại Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu trong quý I năm 2023 tăng trưởng ở mức khả quan hơn so với dự báo hồi tháng 4. Tuy nhiên, triển vọng vẫn khó đoán định, có cả tiềm năng phục hồi lớn bên cạnh nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng giảm tốc.

Ảnh minh họa.

Nền kinh tế thế giới chứng kiến những dấu hiệu tích cực khi nhiều quốc gia dường như đã “thoát hiểm” trong cuộc chiến chống lạm phát, dù vẫn chưa thể trở về mức mục tiêu đề ra. Dữ liệu thống kê của Mỹ cho thấy, giá tiêu dùng tháng 6 vừa qua có mức tăng hằng năm thấp nhất trong hai năm là dấu hiệu tích cực về thực trạng lạm phát.

Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng của nền kinh tế số một thế giới chỉ tăng nhẹ trong tháng 6/2023 và ghi nhận mức tăng hằng năm nhỏ nhất trong hơn hai năm, song tốc độ giảm lạm phát có thể chưa đủ nhanh để Cục Dự trữ liên bang (FED) không tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách sắp tới. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3% trong tháng 6/2023, mức tăng hằng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 4% trong tháng 5. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, đặc biệt đối với ngành dịch vụ của Mỹ vẫn chưa về đúng quỹ đạo.

Trong khi đó, tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế lớn đang có dấu hiệu suy giảm. Tại Trung Quốc, những số liệu chính thức công bố mới đây cho thấy, CPI đã về mức gần như bằng 0 trong tháng 6 vừa qua, trong khi giá sản xuất tiếp tục giảm sâu hơn dự kiến. Đây được cho là dấu hiệu mới nhất về sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy CPI trong tháng 6 vừa qua đã giảm so với mức 0,2% ghi nhận trong tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia do nhu cầu trong nước chậm lại. Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 5,4%, mạnh hơn mức giảm 4,6% của tháng trước đó.

Tại châu Âu, Tập đoàn dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của khu vực đồng euro (Eurozone), trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn duy trì lập trường tích cực về biện pháp tăng lãi suất. Theo đó, tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2023 được dự báo ở mức 0,8%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Động thái điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu của châu lục là Đức cũng bị hạ dự báo tăng trưởng.

Lạm phát dường như đã đạt đỉnh vào năm 2022, trong đó lạm phát cơ bản dù đang hạ nhiệt dần song vẫn trên mức mục tiêu ở hầu hết các nước G20.
(Theo IMF)


Theo đánh giá của IMF, hoạt động sản xuất tại các nước G20 đang thể hiện yếu kém, trong khi trao đổi thương mại toàn cầu vẫn ở mức thấp, song nhu cầu dịch vụ lại mạnh mẽ, đặc biệt tại các nước có ngành du lịch đang phục hồi. Mặc dù IMF không đề cập những điều chỉnh cụ thể so với dự báo tăng trưởng GDP thế giới là 2,8% đưa ra hồi tháng 4, song thể chế tài chính này cho rằng, các nguy cơ đe dọa nền kinh tế đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, bao gồm nguy cơ xung đột Nga-Ukraine leo thang căng thẳng, lạm phát dai dẳng và áp lực tài chính gia tăng làm gián đoạn các thị trường.

IMF cho rằng, lạm phát dường như đã đạt đỉnh vào năm 2022, trong đó lạm phát cơ bản dù đang hạ nhiệt dần song vẫn trên mức mục tiêu ở hầu hết các nước G20.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu hàng hóa giảm đồng nghĩa áp lực lạm phát liên quan các loại hàng hóa cũng giảm, nhưng việc đưa lạm phát trong ngành dịch vụ về tầm kiểm soát có thể cần nhiều thời gian hơn.

Trong khi nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu còn nhiều, IMF kêu gọi các nước G20 duy trì nỗ lực chống lạm phát, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ ở một số nền kinh tế. IMF cũng lưu ý các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với các dấu hiệu áp lực với lĩnh vực tài chính và có thể cần triển khai các công cụ chính sách tài chính để kiểm soát rủi ro.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày