Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Xã luận Mãi mãi ghi công, đẩy mạnh “Đền ơn đáp nghĩa”

Thứ 5, 27/07/2023 | 08:41:16
21,139 lượt xem
Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xúc động, thành kính kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Đoàn viên, thanh niên huyện Quỳnh Phụ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ cụm thị trấn An Bài. Ảnh: Nguyễn Cường

Đúng ngày này cách đây 76 năm, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên ngày Thương binh toàn quốc được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày Thương binh toàn quốc thành ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Từ đó đến nay, ngày Thương binh - Liệt sĩ ngày càng đi vào đời sống nhân dân, trở thành ngày lễ trọng thể, thiêng liêng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Cùng với sự phát triển của đất nước, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức ngày càng chu đáo, đầy đủ và ấm áp như lòng biết ơn không bao giờ vơi cạn của nhân dân Việt Nam đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, gia đình có công với cách mạng... Nếu như trong chiến tranh, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Đón thương binh về làng”... đã trở thành liều thuốc thần kỳ xoa dịu nỗi đau mất chồng, mất con, biến nỗi đau thành niềm tự hào, sức mạnh vượt qua khó khăn, chiến thắng quân thù thì trong hòa bình hôm nay, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ hỗ trợ các gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn mà còn không ngừng nhân lên lòng yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn, để toàn Đảng, toàn dân vững vàng hơn, giành được nhiều thành quả hơn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. 

Là địa phương có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Thái Bình cũng là một trong những tỉnh có số lượng người có công, gia đình chính sách cao nhất cả nước. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, công tác giải quyết chế độ, chính sách, chăm lo cho gia đình chính sách và người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 60.000 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; trên 99% hộ người có công có mức sống trung bình trở lên. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Song bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công vẫn còn không ít trăn trở bởi vẫn còn hồ sơ người có công tồn đọng chưa giải quyết được. Đây là thực tế đòi hỏi các ngành, các cấp và toàn xã hội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp ôn lại truyền thống tự hào của dân tộc, tri ân những người con anh dũng của đất nước, cũng là dịp nhìn nhận, đánh giá lại công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Để qua đó mỗi cấp, ngành, địa phương, cá nhân đề ra cho mình những nhiệm vụ sát thực, cần thiết, ý nghĩa để gia đình chính sách, người có công có cuộc sống tốt hơn, cùng nhau phấn đấu vì một xã hội tươi đẹp, một đất nước giàu mạnh.

Thái Bình