Indonesia và Thái Lan đều có Huy chương vàng đầu tiên
Vận động viên Veddriq Leonardo đã xuất sắc đoạt HCV đầu tiên cho đoàn Indonesia tại Olympic Paris 2024 sau khi thắng sát nút VĐV Wu Peng của Trung Quốc trong trận chung kết leo núi thể thao nội dung tốc độ nam. Tay đua trẻ của Indonesia hoàn thành bài thi sau 4 giây 75, trong khi thời gian thi đấu của đối thủ là 4 giây 77.
Đây là lần thứ hai, môn leo núi thể thao có trong chương trình thi đấu Thế vận hội. Cùng với Huy chương đồng (HCĐ) nội dung cầu lông đơn nữ trước đó của tay vợt Gregoria Mariska Tunjung, đoàn thể thao xứ vạn đảo đã có hai huy chương.
Ngoài ra, Veddriq Leonardo cũng là VĐV đầu tiên của Indonesia đoạt HCV Olympic mà không phải ở môn cầu lông. Indonesia từng giành tám HCV qua các kỳ Thế vận hội đều ở môn cầu lông, nhưng hiện tại môn thể thao này không còn là thế mạnh của họ.
* Ngay trước HCV của Indonesia, Đông Nam Á cũng có thêm một HCV của võ sĩ người Thái Lan Panipak Wongpattanakit ở nội dung thi đấu hạng 49 kg nữ môn taekwondo. Tại kỳ Olympic Tokyo 2020, cô từng đoạt HCV ở nội dung này.
Đối thủ của Panipak Wongpattanakit ở trận chung kết là võ sĩ người Trung Quốc Guo Qing. Trước đó, Panipak đã cho thấy sự vượt trội khi thắng cả ba trận đấu ở nội dung này cùng tỷ số 2-0 trước El-Bouchti (Maroc), Dunya Abutaleb (Saudi Arabia) và Lena Stojkovic (Croatia).
Theo luật thi đấu mới, các võ sĩ taekwondo phải thắng hai hiệp mới thắng chung cuộc, cho nên trong trận chung kết, võ sĩ người Thái Lan phải thi đấu đến hiệp thứ ba. Panipak đã thắng cách biệt Guo Qing 6-3 ở hiệp đầu và thua hiệp thứ hai sát nút 2-3.
Nếu theo luật cũ, Panipak đã giành thắng lợi chung cuộc bằng tổng điểm, song theo luật mới, cô phải đấu hiệp thứ ba và sau đó thắng tiếp cách biệt 6-2 để đoạt HCV, đồng thời là VĐV Đông Nam Á đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch Olympic qua các kỳ Thế vận hội. Đây cũng là HCV đầu tiên của đoàn Thái Lan ở Thế vận hội năm nay.
Nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit của Thái Lan (bên phải) đoạt HCV tại hai kỳ Olympic liên tiếp.
* Lần thứ hai trong lịch sử Olympic, nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam lại có thêm VĐV giành HCV trong hai kỳ Thế vận hội liên tiếp. Đó là VĐV Soufiane El Bakkali của Maroc, người đã vô địch ở nội dung này sau 8 phút 06 giây 05.
Sau hiệu lệnh xuất phát, Soufiane vượt lên trong nhóm dẫn đầu và vượt qua hai đối thủ là Kenneth Rooks của Mỹ (đoạt HCB với 8 phút 06 giây 41) và Abraham Kibiwot của Kenya (đoạt HCĐ với 8 phút 06 giây 47). Soufiane đã trở thành VĐV thứ hai bảo vệ thành công HCV Olympic nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật nam sau 88 năm.
Người đầu tiên đi vào lịch sử là Volmari Iso Hollo của Phần Lan đoạt HCV ở hai kỳ Olympic năm 1932 và năm 1936. Tại Olympic Tokyo 2020, chính Soufiane đã chấm dứt sự thống trị trong 32 năm ở nội dung này của các VĐV Kenya.
* Aleksandra Miroslaw đã giành HCV đầu tiên cho đoàn Ba Lan ở môn leo núi tốc độ trong nhà của nữ, sau khi phá kỷ lục thế giới chính mình từng thiết lập. Tại chung kết, nữ vận động viên này đã leo lên bức tường 15m trong 6 giây 10, đánh bại Deng Lijuan của Trung Quốc có thành tích 6 giây 18.
Miroslaw cho biết: “Tấm HCV này có ý nghĩa rất lớn bởi đây là lần đầu tôi đang đứng trên bục trao huy chương, nghe quốc ca và nhìn thấy quốc kỳ Ba Lan ở vị trí cao nhất”. Trước đó ở giải vô địch thế giới, Miroslaw đã lập kỷ lục thế giới 6 giây 24 rồi nâng lên 6 giây 21, còn tại vòng loại Olympic ngày 5/8 vừa qua, cô tiếp tục thiết lập kỷ lục thế giới mới với 6 giây 06.
* Chiều 8/8, VĐV cuối cùng của đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu tại Olympic Paris 2024 Nguyễn Thị Hương đã bước vào nội dung đua thuyển canoeing đơn nữ C1-200m. Ở nội dung này có 33 VĐV thi đấu năm lượt vòng loại để chọn ra hai tay chèo dẫn đầu mỗi lượt vào bán kết.
Những VĐV xếp sau sẽ chia làm ba nhóm thi tứ kết, tranh vé vớt vào bán kết. Tay đua của Việt Nam thi đấu ở lượt thứ tư với năm VĐV khác và về đích cuối cùng với thành tích 49 giây 74. Cùng lượt đấu với VĐV Việt Nam, VĐV Katie Vincen của Canada và Maria Corbera của Tây Ban Nha về thứ nhất và thứ nhì với thời gian 47 giây 22 và 47 giây 74. Tính thành tích chung của các lượt đấu khác, Nguyễn Thị Hương xếp thứ 25 vòng loại.
Bước vào vòng đấu tứ kết tranh vé vớt vào bán kết theo quy định, tay đua Việt Nam phải cạnh tranh với VĐV đến từ tám nước và vùng lãnh thổ. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng Nguyễn Thị Hương vẫn bị tụt lại so với nhóm dẫn đầu và về đích với thành tích 49 giây 09, xếp vị trí 6/8 và phải dừng bước tại nội dung này.
Trong lịch sử tham dự Olympic, Nguyễn Thị Hương là VĐV duy nhất của Việt Nam giành suất dự thi môn canoeing. Cô đã từng giành tới 5 trong 8 HCV canoeing tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam. Tuy có thành tích xuất sắc trong khu vực, nhưng tay chèo canoeing hàng đầu của nước ta chưa thể vươn tới thành tích đỉnh cao của Olympic.
Pháp có thể giữ lại HCV bóng đá nam ?
23 giờ đêm nay (9/8), trên sân Công viên các hoàng tử (Paris), đội tuyển Olympic Pháp sẽ đối đầu đội tuyển Olympic Tây Ban Nha trong trận chung kết để tranh HCV môn bóng đá nam Thế vận hội năm nay.
Trận chung kết hứa hẹn diễn ra hấp dẫn và kịch tính bởi đây là hai đội bóng mạnh của châu Âu và thế giới. Thầy trò huấn luyện viên Thierry Henry tự tin sẽ giành HCV bóng đá Olympic cho Pháp sau 40 năm với lợi thế sân nhà và sự cổ vũ của các cổ động viên, nhưng hơn hết là có được phong độ ấn tượng qua các vòng đấu vừa qua.
Pháp là đội bóng duy nhất tại Olympic Paris 2024 toàn thắng cả năm trận vừa qua, trong đó có ba trận ở vòng bảng, tại tứ kết, họ đã đánh bại một thế lực bóng đá Nam Mỹ là Argentina và tiếp tục thắng một đội bóng khó nhằn khác của châu Phi là Ai Cập ở bán kết.
Tính đến thời điểm này, “những chú gà trống” của ông Henry ghi được 11 bàn thắng và chỉ để lọt lưới một bàn. Pháp có đội hình chất lượng đồng đều với một hàng thủ rất chắc chắn và một hàng công hiệu quả, sắc bén cùng những ngôi sao bóng đá trẻ hàng đầu của châu Âu.
Không nói quá khi bộ ba Mateta, Olise và Lacazette trên hàng công của họ đang chơi hay nhất trong các đội bóng ở Thế vận hội lần này. Mateta có bốn bàn thắng, hiện đang xếp thứ hai trong danh sách Vua phá lưới Olympic Paris 2024, còn Olise là cầu thủ kiến tạo tốt nhất, xuất phát điểm của không ít pha ghi bàn của đội tuyển. Chính Olise đã có hai pha kiến tạo giúp Mateta ghi bàn thắng vào lưới Argentina ở tứ kết và anh cũng kiến tạo để Mateta ghi bàn vào lưới Ai Cập ở bán kết.
Đó là chưa kể đến mũi nhọn Lacazette dày dạn kinh nghiệm chinh chiến có khả năng chơi bùng nổ bất cứ lúc nào. Tin vui cho ông Henry là sự trở lại của bộ đôi tiền vệ Milot và Kone sau án thẻ phạt sẽ góp phần củng cố chắc chắn cho khả năng kiểm soát, tấn công của Pháp.
Mặc dù vậy, Pháp không thể chủ quan bởi đối mặt với họ ở trận chung kết là tuyển Olympic Tây Ban Nha. Nếu không khắc phục được những yếu điểm đã bộc lộ như đã thấy khi họ vất vả vượt qua Ai Cập ở bán kết thì Pháp sẽ phải trả giá đau đớn. Tây Ban Nha đã từng vô địch Olympic 1992, đoạt HCB tại các kỳ Thế vận hội năm 2000 và 2020.
Hiện tại, đội bóng của xứ sở các đấu sĩ bò tót cũng có phong độ và sự hưng phấn không kém Pháp, nhất là trước mắt họ đang hiển hiện tấm HCV Olympic để hoàn tất cú đúp thành tích bóng đá danh giá năm nay sau khi đội tuyển Tây Ban Nha đăng quang vô địch tại EURO 2024.
Huấn luyện viên Santi Denia sở hữu trong tay bộ ba ngôi sao Aimar Oroz, Sergio Gomez, Abel Ruiz trên hàng công, có khả năng quyết định kết quả trận đấu. Nổi bật phía sau có vai trò phân phối bóng cho hàng công là Fermin Lopez, tiền vệ từng góp mặt trong đội tuyển quốc gia để nâng cao Cúp EURO 2024.
Anh cũng đang xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách Vua phá lưới với bốn bàn thắng như Mateta của Pháp, trong đó có cú đúp ở trận tứ kết với Nhật Bản. Sức mạnh của Tây Ban Nha là lối chơi tập thể, sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa các tuyến cùng kỹ thuật cá nhân điêu luyện, khả năng tận dụng cơ hội.
Tuy nhiên, hàng thủ của La Roja không được đánh giá cao như đối thủ do đã để lọt lưới bốn bàn trong năm trận đấu vừa qua và nếu không có giải pháp tăng cường thì rất khó họ có thể đứng vững trước những mũi nhọn của Pháp.
Trong lịch sử Olympic, hai đội Pháp và Tây Ban từng hòa nhau 1-1 ở vòng bảng Thế vận hội năm 1996. Đánh giá của giới chuyên môn nghiêng về một chiến thắng cho đội chủ nhà, nhưng khả năng cao điều đó sẽ được quyết định trong hiệp đấu phụ.
Theo nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đoàn VĐV Thái Bình đạt giải ba toàn đoàn tại giải đua thuyền rowing vô địch quốc gia 2024 10.11.2024 | 17:34 PM
- Thái Bình giành 1 huy chương vàng môn điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 16.05.2024 | 21:37 PM
- Hội thao Sở Tài nguyên và Môi trường 10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng 14.10.2023 | 20:37 PM
- U22 Malaysia thắng Lào 5-1 04.05.2023 | 00:45 AM
- ĐT U22 Campuchia 1-1 ĐT Philippines 02.05.2023 | 21:40 PM
- Thắng Trung Quốc, Việt Nam vào chung kết bóng chuyền CLB nữ châu Á 01.05.2023 | 23:19 PM
- Bốc thăm môn bóng đá SEA Games 32: Nữ Việt Nam cùng bảng Philippines, Myanmar - U22 Việt Nam cùng bảng Thái Lan, Malaysia 05.04.2023 | 16:17 PM
- SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam giảm khoảng 200 vận động viên 03.04.2023 | 16:51 PM
- Công bố quyết định Liên đoàn Bóng bàn Thái Bình là thành viên Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam 09.03.2023 | 20:00 PM
- Vũ Thư: Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng thu hút gần 200 vận động viên tham gia 17.02.2023 | 16:51 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng