Thứ 7, 23/11/2024, 14:20[GMT+7]

Tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực

Thứ 2, 14/08/2023 | 06:25:51
1,369 lượt xem
Giới chức và chuyên gia châu Phi đã bắt đầu hội nghị kéo dài 3 ngày tại thủ đô Nairobi của Kenya để thảo luận việc tăng cường an ninh lương thực ở châu lục. Với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, bao gồm các quan chức cấp cao, nhà khoa học từ 20 quốc gia châu Phi, Liên minh châu Phi (AU) và Liên hợp quốc, sự kiện này nằm trong chuỗi nỗ lực của châu Phi và Liên hợp quốc nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực ở châu lục vốn luôn là “điểm nóng” về an ninh lương thực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những nguy cơ luôn hiện hữu

Việc không thể tự chủ về nguồn cung khiến vấn đề an ninh lương thực ở châu Phi luôn trong tình trạng hết sức mong manh. Châu lục này dễ rơi vào khủng hoảng trước những tác động từ bên ngoài, trong đó có tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Ukraine. Trong khi đó, tồn tại một thực tế ở châu Phi, dù có nhiều tiềm năng về tài nguyên và nguồn lực con người, song nhiều quốc gia châu Phi luôn cận kề nạn đói, bởi xung đột, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nghèo nàn và tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. 

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Nam Sudan có tiềm năng trở thành vựa lúa mì của khu vực Đông Phi, song khủng hoảng khí hậu, kinh tế và tình trạng bất ổn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nông nghiệp, chăn nuôi và nguồn cung lương thực ở quốc gia này. Thống kê cho thấy, hiện chỉ có 4% diện tích đất nông nghiệp tại Nam Sudan được canh tác, trong khi 80% số thanh niên nước này sống ở các vùng nông thôn. 

Tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ở nhiều nước là do sự kết hợp của xung đột, biến đổi khí hậu và tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cao.

Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp về nhân đạo ở nhiều nước là do sự kết hợp của xung đột, biến đổi khí hậu và tình trạng giá lương thực, nhiên liệu tăng cao. Tổng thống Nigeria mới đây phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó với lạm phát cao đe dọa an ninh lương thực tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này. 

Nigeria đang vật lộn với một loạt thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm xung đột giữa nông dân và người nuôi gia súc, tác động của biến đổi khí hậu, tiếp cận hạn chế với kỹ thuật trồng trọt hiện đại, nguy cơ gia tăng côn trùng và sâu bệnh ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lương thực và khiến giá lương thực tăng. Chính phủ nước này có kế hoạch sử dụng một phần tiền tiết kiệm được sau khi kết thúc chương trình trợ cấp nhiên liệu để cải thiện lĩnh vực nông nghiệp trong ngắn hạn. 

Tại Sudan, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, di cư và thiệt hại cơ sở hạ tầng do giao tranh giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) là những nguyên nhân làm gia tăng nạn đói. Số người ước tính phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng tại Sudan đang tăng nhanh hơn dự báo, lên mức 20,3 triệu người, tương đương 42% dân số của quốc gia Đông Phi này. 

Cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng hơn khi nguồn cung và giá lương thực bấp bênh. Theo thông báo mới đây của FAO, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã quay đầu tăng trong tháng 7 sau hai năm ở mức thấp, trong bối cảnh giá dầu thực vật tăng do căng thẳng liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và những quan ngại về sản xuất lương thực toàn cầu. 

Hoài nghi về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và thời tiết khô hạn ở Bắc Mỹ đã đẩy giá lúa mì và gạo tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo. Giá gạo tăng, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực, tác động đến một bộ phận lớn dân số thế giới, trong đó có những người nghèo nhất ở châu Phi.

“Chìa khóa” giải quyết vấn đề

Hiện châu Phi vẫn phải nhập khẩu lương thực ròng, mặc dù châu lục này có diện tích đất canh tác rộng lớn và có một lực lượng lao động trẻ dồi dào. Việc khai thác và tận dụng các tiềm năng sẵn có cùng với sự hỗ trợ của công nghệ có thể giúp châu Phi tự lực cánh sinh trong sản xuất lương thực. Đây cũng là vấn đề được quan tâm và được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực mới đây, trong đó tập trung vào vấn đề chuyển đổi các hệ thống nông sản. 

Các chuyên gia nêu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy công nghệ, hỗ trợ nông dân, thiết lập quan hệ đối tác và thích ứng với biến đổi khí hậu để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông sản. Một số giải pháp được nêu như thanh niên canh tác lương thực, trợ cấp đặc biệt cho nông dân để trồng nhiều loại cây và tăng cường trao đổi, kết hợp với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật tiên tiến và công nghệ. Đây có thể được coi là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. 

Hội nghị tại Kenya về sử dụng vệ tinh trong tăng cường an ninh lương thực là hội nghị quốc tế thứ 7 do Trung tâm lập bản đồ tài nguyên cho phát triển (RCMRD) tổ chức. Phát biểu khai mạc hội nghị, quan chức khoa học cấp cao thuộc Ủy ban AU, Tiến sĩ Mahaman Bachir Saley cho biết, những hình ảnh do vệ tinh chụp được có thể giúp các chính phủ ở châu Phi giám sát có hiệu quả các loại cây lương thực trên đồng ruộng. Theo ông, việc giám sát theo thời gian thực có thể giúp các quốc gia lập kế hoạch thông qua khả năng dự báo đúng vụ thu hoạch của nông dân. 

Châu Phi cần khai thác thành tựu khoa học vũ trụ mới nhất để bảo đảm an ninh lương thực.

Bộ trưởng Đất đai, Nhà ở và Phát triển Đô thị của Uganda, Judith Nabakooba

Đây cũng là quan điểm của bà Husna Mbarak, Trưởng nhóm quản trị và tài nguyên thiên nhiên tại Văn phòng FAO ở Kenya. Theo bà Mbarak, châu Phi có thể đạt được thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách giám sát các cánh đồng với sự trợ giúp của vệ tinh. Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh cũng có thể được sử dụng để phát hiện và ứng phó với sâu bệnh hại cây trồng. 

Tại hội nghị ở Kenya, Bộ trưởng Đất đai, Nhà ở và Phát triển Đô thị của Uganda, Judith Nabakooba cho rằng, châu Phi cần khai thác thành tựu khoa học vũ trụ mới nhất để bảo đảm an ninh lương thực. 

Theo người đứng đầu cơ quan về bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi Kenya Collins Marangu, những thiết bị quan sát trái đất như vệ tinh có thể giúp châu Phi dự báo thời tiết tốt hơn để hướng dẫn nông dân cải thiện sản xuất và năng suất cây trồng. Ngoài ra, các hình ảnh vệ tinh cũng có thể được sử dụng để theo dõi hiệu quả “sức khỏe” của đất nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.

Trước nhu cầu cấp bách giải quyết vấn đề an ninh lương thực, Tổng Giám đốc FAO cho rằng, thế giới chỉ có thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm nông nghiệp. Ông nhấn mạnh, FAO sẽ tiếp tục vận động để lương thực và nông nghiệp được công nhận là một phần của hệ thống liên quan với nhau, vì những nỗ lực chuyển đổi hệ thống nông sản toàn cầu xuyên suốt một số lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, khí hậu, đa dạng sinh học, thương mại và dinh dưỡng. 

Theo các tổ chức của Liên hợp quốc, việc đầu tư phát triển nông nghiệp và tạo điều kiện triển khai các chính sách sẽ giúp cải thiện an ninh lương thực trong dài hạn, cũng như tạo ra nhiều việc làm ở khu vực nông thôn. 

Các cơ quan về lương thực của Liên hợp quốc và các nước châu Phi đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường hợp tác và phối hợp ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia để giúp châu Phi giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Hợp tác về chuyển đổi hệ thống nông sản, đưa công nghệ vào giám sát hệ thống trồng trọt là những nhân tố quan trọng trong việc tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực ở Lục địa Đen.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày