Thứ 7, 23/11/2024, 20:53[GMT+7]

Không mở rộng phạm vi điều chỉnh luật với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên

Thứ 2, 28/08/2023 | 18:40:43
2,243 lượt xem
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nếu đưa nước khoáng và nước nóng thiên nhiên - vốn được coi là khoáng sản vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước thì sẽ không phù hợp về bản chất, đồng thời gây nguy cơ thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 28/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua; có 98 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ với 439 ý kiến góp ý, 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường với 112 ý kiến góp ý, và 3 ý kiến góp ý bằng văn bản.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sau đó được chỉnh lý, hoàn thiện và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kì tháng 8.

Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đang được quản lý, khai thác hiệu quả theo Luật Khoáng sản

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tích cực triển khai công việc, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên sâu để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về các vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật.

Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Thủy cho biết hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên đưa nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hay không.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 28/8. (Ảnh: DUY LINH).

Đại biểu bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án không mở rộng phạm vi điều chỉnh luật đối với 2 loại nước này.

Theo đó, về bản chất, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên là khoáng sản, có nguồn gốc hình thành từ hoạt động nội sinh trong lòng đất, có thành phần khoáng chất và tính chất hóa học, lý học, độ tinh khiết nguyên thủy ổn định theo thời gian.

Đại biểu Thủy cho rằng, trên thế giới và cả ở Việt Nam, đây được coi là khoáng sản và đang được quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả trong việc phục vụ phát triển y học cũng như kinh tế-xã hội.

Vì xác định đây là khoáng sản, nên hiện nay nước khoáng và nước nóng thiên nhiên đang được điều chỉnh bởi Luật Khoáng sản và được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy trình chặt chẽ như đối với các khoáng sản khác.

Ngay ở khâu thăm dò cũng phải có giấy phép thăm dò, trong quá trình thăm dò phải thiết lập vành đai bảo vệ, khi khai thác, các chủ thể phải đáp ứng nhiều nhóm điều kiện, tiêu chí cụ thể như ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ ở địa phương, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi…

Nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu rõ, nếu đưa nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước, áp dụng cơ chế quản lý của Luật Tài nguyên nước thì sẽ không phù hợp về bản chất, đồng thời gây nguy cơ thất thoát nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao này.

Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt

Phát biểu ý kiến ở hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo đảm an ninh nguồn nước, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt. (Ảnh: DUY LINH).

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân ở vùng lũ.

Theo đại biểu Trí, Điều 22 dự thảo Luật (quy định về bảo vệ nguồn nước mặt) nên chia làm 2 phần, gồm: quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm nguồn nước; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, chủ động, tích cực lưu giữ nguồn nước mặt như xây hồ đập, tích trữ nước mưa…

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi khoản 2 Điều 22 theo hướng bảo đảm lưu thông dòng chảy, làm rõ việc tăng khả năng chịu tải của nguồn nước.

Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị của bảo đảm hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…

Bày tỏ quan tâm đến nội dung quy định về việc cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết, Điều 54 của dự thảo đang quy định giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại chưa hề có quy định nào về thời hạn của các loại giấy phép này. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

“Thực tế việc cấp các loại giấy phép trong các lĩnh vực đều có thời hạn và gia hạn theo luật định. Do vậy, việc bổ sung quy định thời hạn giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước là phù hợp, tránh tạo ra sự thiếu đồng bộ và tạo thành cơ chế xin - cho”, đại biểu cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án Luật, cụ thể về phạm vi điều chỉnh của luật, tính tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc phân bố tài nguyên nước, đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tái sử dụng nước, bảo tồn tài nguyên nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu để gửi các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở sự tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp, chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến thảo luận, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật theo đúng quy định, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày