Chủ nhật, 24/11/2024, 03:31[GMT+7]

Sẵn sàng thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11

Thứ 3, 05/09/2023 | 17:00:40
3,402 lượt xem
Năm học 2023 - 2024 là năm học đầu tiên học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa mới. Để việc triển khai chương trình đạt hiệu quả, đến nay ngành giáo dục đã chuẩn bị tốt hệ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên... nhằm phát huy tốt nhất những ưu thế của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Giáo viên Trường Tiểu học Việt Thuận (Vũ Thư) nghiên cứu sách giáo khoa lớp 4.

Sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, ngành giáo dục thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10. Năm học mới này, chương trình GDPT 2018 sẽ bắt đầu thực hiện với lớp 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản. 

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, sách giáo khoa mới vừa thuận lợi trong dạy và học vừa giúp học sinh dễ tiếp nhận kiến thức. Kênh hình phát triển cũng giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, có thể tìm kiếm các tư liệu, ngữ liệu để bài giảng phong phú, phù hợp hơn. 

Bà Khổng Thị Hương Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Mỹ (thành phố Thái Bình) nhận xét, sách giáo khoa mới thường hỗ trợ giáo viên cung cấp các hoạt động thực hành, ví dụ minh họa, bài tập thảo luận và bài giảng trực quan. Điều này giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tính tương tác và hấp dẫn trong quá trình giảng dạy.

Thực hiện chương trình GDPT 2018 năm nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng từ năm học 2023 - 2024. Công tác triển khai lựa chọn sách giáo khoa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc phát hành sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị đủ kiều kiện đã tổng hợp và cung cấp đầy đủ sách giáo khoa theo số lượng học sinh, nhu cầu các nhà trường bảo đảm các em có đủ sách giáo khoa trước thềm năm học mới. 

Đánh giá về những bộ sách giáo khoa mới, bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Về chất lượng, nội dung sách giáo khoa GDPT 2018 phù hợp với đối tượng học sinh. Các hoạt động được thiết kế khoa học giúp người học hình thành các năng lực phẩm chất, đạt mục tiêu của chương trình. Kênh hình, kênh chữ trong sách giáo khoa được thiết kế phù hợp, đẹp mắt, góp phần tạo sự hứng thú, thu hút học sinh tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng, phát triển năng lực phẩm chất cho các em.

Khắc phục khó khăn, ưu tiên nguồn lực

Trong 3 năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương đều dồn lực đầu tư cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018. Tại Trường Tiểu học và THCS Đông Thọ (thành phố Thái Bình), năm học mới này, nhà trường có 57 học sinh lớp 4 và 77 học sinh lớp 8. Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, cùng với việc huy động xã hội hóa từ các mạnh thường quân, hơn 30 cán bộ, giáo viên của nhà trường đã tình nguyện trích lại tiền dạy buổi 2 của tháng 10/2022 để mua ti vi cho các lớp thực hiện chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, nhà trường mua bảng mới và lắp mạng internet cho tất cả phòng học từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên. Đến nay, các phòng học, phòng bộ môn của nhà trường đều cơ bản đáp ứng yêu cầu của bộ sách giáo khoa mới. 

Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bên cạnh yếu tố về cơ sở vật chất, nhà trường hiện cũng gặp khó khăn do thiếu giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã thực hiện các giải pháp như: 3 cán bộ quản lý trong Ban Giám hiệu trực tiếp đứng lớp dạy các môn Toán, Văn; đồng thời tăng số tiết dạy của các thầy cô giáo ở trường; một số thầy cô giáo dạy kiêm nhiệm; hợp đồng thêm giáo viên… Thuận lợi nhất đối với nhà trường đó là các thầy cô giáo luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn.

Tăng tiết dạy cũng là một trong những giải pháp tạm thời mà Trường THCS Trung An (Vũ Thư) thực hiện để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình GDPT 2018 hiện nay. Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Hiệu trường nhà trường chia sẻ: Bên cạnh những thuận lợi, nhà trường cũng đang gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo. Chúng tôi đã thực hiện tăng tiết dạy cho giáo viên để bảo đảm học sinh được học đủ, học đúng theo chương trình. Các thầy cô giáo luôn nhiệt tình, trách nhiệm và sẵn sàng chia sẻ với khó khăn của nhà trường hiện nay. Nhà trường mong sẽ sớm được bổ sung những giáo viên bộ môn còn thiếu. Đây sẽ là động lực và là cơ sở quan trọng giúp nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới. 

Ông Lại Văn Thư, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Thư cho biết: Để triển khai có hiệu quả chương trình GDPT 2018 trong năm học mới, vừa qua có 132 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về chương trình mới; 1.262 cán bộ, giáo viên toàn ngành được tổ chức bồi dưỡng. Bên cạnh đó, để khắc phục khó khăn về đội ngũ giáo viên, Phòng đã giao quyền chủ động cho các nhà trường sắp xếp linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng trường. Chúng tôi đang chờ đợi sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với những môn liên môn tích hợp để giúp các nhà trường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Thư viện Trường Tiểu học và THCS Đông Thọ (thành phố Thái Bình) được sửa chữa, tu bổ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. 

Tâm thế sẵn sàng

Từ thực tế triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, 2 và lớp 3, trước đó, Trường Tiểu học Việt Thuận (Vũ Thư) đã tổ chức tổng kết, đúc rút những thuận lợi, khó khăn và tìm phương án điều chỉnh phù hợp để tiếp tục vận dụng triển khai ở lớp 4. 

Bà Nguyễn Thị Miền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Về phía tổ chuyên môn và giáo viên, thực hiện tăng cường dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, đẩy mạnh ở các khối 1, 2 và 3 để giúp giáo viên cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, củng cố, vững vàng kiến thức, kỹ năng, phương pháp… trước khi triển khai vào thực tế cho chương trình lớp 4. Chúng tôi trao quyền tự chủ chuyên môn, linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng giai đoạn của năm học, điều chỉnh nội dung, thời lượng trong từng bài, từng chủ đề. Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của môn mình phụ trách sao cho phù hợp với năng lực học sinh, điều kiện thực tế nhà trường, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học bảo đảm học đến đâu chắc đến đó. Với những thuận lợi đó, chúng tôi sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến thời điểm này, toàn ngành đã hoàn thành việc tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên các lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Đồng thời, linh hoạt sắp xếp một số hoạt động mới như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, môn Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục thể chất của cấp THPT và môn Khoa học tự nhiên của cấp THCS. Quan điểm của toàn ngành là không gây áp lực cho người thực hiện nhưng bảo đảm tổng thời lượng theo quy định và thực hiện được mục tiêu của các cấp học.

Với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, sự kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát mục tiêu và sự quyết tâm của từng cán bộ giáo viên, các nhà trường và toàn ngành, việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên địa bàn tỉnh sẽ được triển khai thành công và đạt được hiệu quả tích cực trong năm học 2023 - 2024.

Đặng Anh