Thứ 4, 13/11/2024, 07:02[GMT+7]

Kiểm soát, ngăn chặn trục lợi khi thuốc điều trị đau mắt đỏ khan hiếm

Thứ 2, 02/10/2023 | 09:11:46
3,675 lượt xem
Trước sự gia tăng số ca đau mắt đỏ, thay vì đến cơ sở y tế để được khám, chỉ định điều trị, nhiều người truyền tai nhau tự tìm mua một số loại thuốc khiến mặt hàng điều trị bệnh khan hiếm, nhất là thuốc Tobrex ngoại. Tại một số hiệu thuốc có thời điểm thuốc này “cháy hàng”.

Người dân nên đến cơ sở y tế để khám, điều trị, không tự ý mua thuốc theo chia sẻ trên mạng xã hội khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Khan hiếm một số thuốc nhỏ mắt ngoại
Người nhà bị đau mắt đỏ, thấy mọi người truyền tai nhau mua thuốc Tobrex ngoại tra nhanh khỏi, chị Lê Thị Thảo (Vũ Thư) đã tìm đến một số hiệu thuốc để mua. Tuy nhiên, khi đến một số hiệu thuốc hỏi, nhân viên quầy thuốc đều thông báo hết hàng hoặc hàng này đang khan hiếm chưa có, giá nhập lại cao.
Qua khảo sát của phóng viên tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Thái Bình, thị trấn Vũ Thư vào chiều ngày 28/9, khi được hỏi về thuốc Tobrex ngoại, nhân viên các quầy thuốc đều lắc đầu không có và chia sẻ rằng thuốc đang “cháy hàng”, giá cao hơn so với thời điểm trước nhưng cũng không có để nhập, đồng thời tư vấn một số loại thuốc khác có công dụng tương tự để phòng, điều trị bệnh. Theo chia sẻ của nhân viên một nhà thuốc trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình): Nhà thuốc cũng vừa về được một số loại thuốc kháng sinh của Mỹ, nước dưỡng mắt, nước muối nếu không mua nhanh cũng hết hàng.

Tại một quầy thuốc ở thị trấn Vũ Thư, nhân viên quầy thuốc cho biết: Không còn thuốc Tobrex ngoại từ nhiều ngày nay. Giá loại thuốc này trước kia nhà thuốc bán hơn 40.000 đồng nhưng giờ cũng không còn hàng.

Nhu cầu tăng cao, việc khan hiếm thuốc là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều người chưa hiểu hết công dụng của thuốc, chỉ nghe theo thông tin truyền miệng hoặc xem trên mạng xã hội mà đã tìm mua. Tobrex là loại thuốc kháng sinh, được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng ngoài nhãn cầu và thành phần phụ của mắt gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm, trong khi đó đau mắt đỏ chủ yếu do virus và vi khuẩn. Đỏ mắt cũng có nhiều nguyên nhân, có thể là do viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm nội nhãn. Do đó, khi có các triệu chứng đỏ mắt, người dân cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh tình trạng tự ý dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ khiến bệnh thêm nặng, có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị đau mắt đỏ
Ông Nguyễn Thanh Bách, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho biết: Để bảo đảm việc cung ứng thuốc và kiểm soát giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, mới đây, Sở Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế, phòng y tế huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khẩn trương, chủ động mua sắm thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo hình thức phù hợp, sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý. Những cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; hướng dẫn sử dụng của thuốc bảo đảm an toàn, hiệu quả. Phòng y tế các huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược; các quy định về kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan, đường lây chủ yếu qua đường hô hấp và dịch tiết của người bệnh. Vì thế, tại một số tỉnh, thành phố, dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp, số ca đau mắt đỏ tăng nhanh. Tại Thái Bình đã ghi nhận nhiều ca mắc, trong đó có một số chùm ca bệnh tại trường học. Trước nỗi lo bệnh tật, nhiều người dân tìm đến các cơ sở kinh doanh thuốc để mua thuốc phòng, điều trị khiến một số loại thuốc khan hiếm, dễ gây tình trạng trục lợi, đẩy giá thuốc lên cao. Để ngăn chặn tình trạng trục lợi thuốc đau mắt đỏ nói riêng, thuốc nói chung, lực lượng chức năng cần vào cuộc, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng hoặc đẩy giá thuốc lên cao.

Hoàng Lanh