Thách thức giải quyết khủng hoảng nợ ở các nước nghèo
Việc ngăn chặn các quốc gia vỡ nợ đang trở thành vấn đề cấp bách và việc hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ sẽ được đặt ưu tiên trong các thảo luận tại cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức vào tuần tới, tại thành phố Marrakech, Maroc.
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy nhiều quốc gia tới bờ vực vỡ nợ. Lãi suất cao, tâm lý lo ngại rủi ro của nhà đầu tư cùng chi phí đi vay leo thang đã khiến một số quốc gia đang phát triển rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Tại châu Âu, Ukraine đã dừng việc thanh toán các khoản nợ sau khi xung đột bùng phát. Các tổ chức hàng đầu thế giới ước tính chi phí tái thiết Ukraine hậu xung đột là ít nhất 1.000 tỷ euro, trong đó IMF nhận định Ukraine cần khoảng 3-4 tỷ USD mỗi tháng để duy trì hoạt động.
Tại Trung Đông, Liban đã vỡ nợ lần đầu vào năm 2020 và có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế Liban đang hồi phục. Hồi tháng 9 vừa qua, IMF hoan nghênh những thay đổi của Ngân hàng Trung ương Liban, song cho rằng Liban cần cải cách sâu rộng trong bối cảnh triển vọng kinh tế khó khăn và bất định. IMF cảnh báo khó khăn tiếp diễn có thể đẩy nợ công Liban lên mức 547% GDP vào năm 2027.
Trong khi đó, tại châu Á, Pakistan cần tới 22 tỷ USD để trả nợ nước ngoài và thanh toán các hóa đơn cho năm tài chính 2024 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao kỷ lục đi kèm những thiệt hại nặng nề sau trận lũ lụt lịch sử năm 2022. Tháng 6 vừa qua, IMF đã thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, cùng với 3 tỷ USD tiền mặt hỗ trợ của Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, giới quan sát tiếp tục hoài nghi về sức chống chịu của nền kinh tế Pakistan nếu thiếu đi các khoản hỗ trợ lớn. Sri Lanka đã vỡ nợ vào tháng 5/2022 do đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành du lịch khiến chính phủ cạn kiệt nguồn tiền để nhập khẩu thực phẩm, xăng dầu và thuốc men. Cuối tháng 6, Sri Lanka đã công bố kế hoạch xử lý nợ và đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều khả năng IMF sẽ trì hoãn gói cứu trợ 2,9 tỷ USD tiếp theo cho Sri Lanka trong bối cảnh thiếu hụt nguồn thu ngân sách.
Tại châu Phi, ngay cả các quốc gia vốn phát triển ở khu vực Bắc Phi cũng đứng trước các nguy cơ khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2011 đã đẩy kinh tế Tunisia rơi vào khủng hoảng toàn diện. Các tổ chức xếp hạng tín dụng nhận định, Tunisia có thể vỡ nợ trong bối cảnh lô trái phiếu châu Âu trị giá 500 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng này.
Tại miền đông châu Phi, bất ổn chính trị và đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Ethiopia. Đầu năm 2021, chính quyền Ethiopia đã đề xuất tái cơ cấu theo Khuôn khổ chung về Xử lý nợ bên ngoài Sáng kiến hoãn thanh toán nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ghana đã vỡ nợ hầu hết các khoản nợ nước ngoài vào tháng 12/2022 và trở thành quốc gia thứ 4 tìm cách tái cơ cấu kinh tế theo Khuôn khổ chung của G20.
Ghana được tiếp nhận gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD của IMF tháng 5 vừa qua, đồng thời cho biết tiến trình tái cơ cấu 30 tỷ USD nợ nước ngoài cùng các khoản nợ trong nước diễn ra khá nhanh chóng. Nợ công tại Kenya đã chạm mức 67,4% GDP vào cuối năm 2022, khiến nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng nợ. Quốc gia này đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Phi và WB để được hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh sẽ phải hoàn trả lô trái phiếu châu Âu trị giá 2 tỷ USD vào năm 2024.
Những nỗ lực do WB, IMF hay G20 triển khai nhằm giảm gánh nặng nợ nần tại các quốc gia thu nhập thấp được cho là chưa đủ. Theo lãnh đạo UNCTAD, quá trình này diễn ra rất chậm và còn nhiều quốc gia cần sự trợ giúp. Vì vậy, cần thiết lập cơ chế tốt hơn để giải quyết nhanh hơn vấn đề nợ nần.
Tuy nhiên, quy mô của hệ thống xử lý nợ hiện nay còn nhỏ so với những thách thức đang phải đối mặt. Trong khi đó, WB tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nền kinh tế toàn cầu, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phát sinh và việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ cho các nước đang phát triển vẫn là vấn đề nan giải.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật