Thứ 7, 23/11/2024, 14:03[GMT+7]

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính

Thứ 2, 16/10/2023 | 15:33:01
11,473 lượt xem
Sáng ngày 16/10, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Đến nay, cả nước đã thành lập 11.956 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Bộ phận một cửa của nhiều bộ, ngành, địa phương đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp và chủ động đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng hoạt động. Dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Tại các bộ, ngành, số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần chiếm 70,8%; ở các địa phương, tỷ lệ này chiếm 79,4%. Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công. Có 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy… 9 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ thêm một số kết quả đạt được trong cải cách TTHC gắn với nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách TTHC trong thời gian tới. Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe những nội dung cơ bản của dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Thái Bình. 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, các ngành xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện; trong đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết TTHC truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến. Kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC, nhất là các nhóm TTHC, dịch vụ công liên thông. Trong đó, các bộ, ngành phải rà soát, hoàn thành việc công bố quy trình nội bộ xác định rõ thời hạn, trách nhiệm giải quyết trong từng bước, giai đoạn đối với các TTHC liên thông giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Thống nhất nguyên tắc cắt giảm các dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong khoảng 3 năm nay và những dịch vụ không hiệu quả. Chủ động báo cáo với Tổ công tác những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Quan tâm bố trí đủ nhân lực cho việc triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung hoàn thành việc tháo gỡ các “điểm nghẽn”. Thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Đào Quyên