Thứ 4, 13/11/2024, 06:54[GMT+7]

Những công nghệ được sử dụng trên sân khấu VIIE 2023

Thứ 5, 02/11/2023 | 10:50:12
1,977 lượt xem
Xử lý âm thanh trong không gian ảo, công nghệ ánh sáng tương tác hay hình ảnh Motion Capture được ứng dụng khi trình diễn trên sân khấu VIIE 2023.

Đại sứ ảo xuất hiện trên sân khấu VIIE. Ảnh: NIC

Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) ngày 28/10, tại Hà Nội mang đến hàng loạt tiết mục trình diễn áp dụng những công nghệ hàng đầu thế giới.

Lễ khai mạc mở đầu với giọng nói nhân vật "Đại sứ ảo" của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Nhân vật này đặt những câu hỏi về bước tiến lịch sử nhân loại, những làn sóng đổi mới và khẳng định đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho tương lai.

Theo tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, giọng nói của "Đại sứ ảo" được xử lý thông qua phần mềm trong không gian ảo 360 độ. Âm thanh được tinh chỉnh để mang tới cảm nhận như phát ra từ tám hướng khác biệt. Với công nghệ này, khán giả có cảm giác các tiết tấu thanh âm liên tục "chạy" từ trái qua phải và ngược lại. Các hiệu ứng được hỗ trợ truyền tải bởi Dolby Atmos – công nghệ âm thanh vòm nổi tiếng thế giới hiện nay.

Ông Trí cũng thiết lập một hệ thống pa lăng tự động để cùng chuyển động đồng bộ với công nghệ ánh sáng tương tác được lập trình timecode. Đây là phương pháp lập trình tự động cho các hiệu ứng ánh sáng và đạo cụ sân khấu giúp đảm bảo độ chính xác dựa trên khung đo 00:00:00:00 (tương ứng là giờ:phút:giây:frame), với track âm thanh, khung frame sẽ được thay bằng sample. Timecode có thể được sử dụng để kích hoạt hiệu ứng ánh sáng, chiếu video, tùy biến âm thanh hay các thao tác phức tạp khác.

Hệ thống pa lăng được lập trình để chuyển động đồng bộ với ánh sáng. Ảnh: NIC

Hệ thống pa lăng được lập trình để chuyển động đồng bộ với ánh sáng. Ảnh: NIC

Sau phần trình diễn giọng nói, "Đại sứ ảo" thể hiện loạt chuyển động với hiệu ứng như bước ra khỏi màn hình LED và tương tác với không gian. Để tạo nên những chuyển động này, đội ngũ thiết kế dựa vào Motion Capture – công nghệ của những bom tấn điện ảnh, giúp tạo trải nghiệm như nhân vật ảo hiện diện giữa không gian thật. Đạo diễn Minh Trí cho biết ông và ekip Sun Bright sử dụng các thiết bị bắt chuyển động được gắn trên người diễn viên. Trong khoảng thời gian ngắn các máy quay sẽ thu được hàng ngàn bức ảnh. Với phần mềm chuyên dụng, các bức ảnh được quan sát kỹ lưỡng nhằm mục đích theo dõi từng điểm sáng và tiến hành xuất dữ liệu định khung (keyframe data) phục vụ cho quá trình tạo ra "Đại sứ ảo" với nét mặt, biểu cảm và cử động như người thật.

Lễ khai mạc tiếp tục đưa người xem vào hành trình thế giới đổi mới sáng tạo thông qua video. Ekip cho biết sử dụng công nghệ hình ảnh Naked Eye 3D. Công nghệ này trình chiếu các video được thiết kế đặc biệt để cho ra hiệu ứng chân thực giống như vật thể đang "lao ra" khỏi màn hình. Cùng với đó, tiết mục tiếp tục sử dụng ánh sáng lập trình bằng timecode, đồng bộ với vũ công và âm nhạc...

Vũ công trình diễn cùng sự hỗ trợ của ánh sáng. Ảnh: NIC

Vũ công trình diễn cùng sự hỗ trợ của ánh sáng. Ảnh: NIC

Người theo dõi còn được nghe bài hát Rising For Innovation do AI sáng tác. Bài hát mang thông điệp về tinh thần đổi mới sáng tạo và niềm tự hào của trí tuệ Việt khi đóng góp vào sự phát triển đất nước và thế giới.

Lễ khai mạc nằm trong khuôn khổ sự kiện khánh thành cơ sở làm việc mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và Việt Nam như SK, Samsung, SpaceX, Google, Meta, Intel, FPT, VNPT, Viettel, VinFast...

Theo vnexpress.net