Thứ 7, 23/11/2024, 14:38[GMT+7]

Nồng nàn hương lúa

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:34:47
7,742 lượt xem
Tháng 5, khi cái nắng mùa hạ bắt đầu chói chang cũng là lúc lúa xuân trỗ bông phơi màu. Hoa lúa nở trắng muốt làm sáng rực cả cánh đồng, toả hương thơm dịu mát. Hương lúa cũng không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác, nó nồng nàn, thanh tao dung dị đến lạ thường. Một buổi chiều, gió nam thổi nhẹ nếu đi giữa muôn ngàn bông lúa, lòng người thật nhẹ nhàng, khoan khoái và bạn sẽ thấy màu xanh ngút ngàn ấy thân thương biết nhường nào.

Từ ngàn đời nay, cây lúa đã bó bện và trở thành một phần không thể thiếu được ở làng quê Việt và trong đời sống của người nông dân. Nó đã trở thành tên gọi cho một nền văn minh - nền văn minh lúa nước. Lúa không chỉ mang lại sự no ấm, đủ đầy mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam. Cây lúa cũng đi vào thơ ca, âm nhạc  một cách rất tự nhiên, bình dị. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có những câu thơ bất hủ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của cây lúa:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

Với Thái Bình, vựa lúa của đồng bằng sông Hồng cũng có lời ca được ngân vang trong bài hát “Anh hãy về quê em”:
“Anh ơi hãy đến thăm quê hương em Thái Bình
Những cánh đồng phù sa ngạt ngào hương lúa chín”

Còn với nông dân, cây lúa  luôn gần gũi là đói no, là người bạn có thể chia sẻ mọi nỗi niềm, buồn vui, tâm sự, luôn thấm đẫm tình người và hồn quê. Quá trình làm ra hạt lúa của người nông dân cũng rất gian nan, chứa đựng biết bao nhọc nhằn, vất vả. Những hạt thóc vàng óng gặt về từ vụ trước được họ lựa chọn phơi khô cất kỹ càng, đến vụ sau đem ngâm ủ lên mầm trắng ngần rồi gieo xuống lớp bùn đặc quánh. Nếu ném hạt mộng buổi sáng, buổi chiều mộng đã “ngồi được” có nghĩa là rễ đã bám được vào đất và mầm nhọn đã xuôi hướng lên trời. Lúc này, bác nông dân một phần yên tâm vì nó đã sống được trong môi trường mới, tự hút được những tinh túy của đất trời nuôi mầm.

Đến hôm sau, mầm nhú lên cao hơn, bắt đầu có chút xanh xanh, người nông dân bảo mạ đã “xanh đầu”. Từng khắc, từng giờ những nhánh mạ lớn dần lên, đi qua những ngày đông giá rét, đón hơi ấm của mùa xuân trở nên xanh non mơn mởn. Theo cách nói của nông dân, mạ cũng có “gan” nằm ở trong thân non. Khi nhổ mạ đem ra ruộng cấy phải nhẹ nhàng nâng niu từng nhánh, không khéo để dập “gan” mạ thì khi dảnh mạ cấy xuống đồng cũng sẽ chết. Vào mùa cấy, cánh đồng đông như hội, các bà, các chị, các mẹ thi nhau cấy lúa thẳng hàng với những lời ca cũng là lời nhắc nhở nhau cấy đúng kỹ thuật để lúa cho năng suất cao: “Ngửa tay cấy lúa thẳng hàng, vừa hàng sông, đông hàng con, tròn cây lúa, nó múa, nó lên” hay “Cấy thưa thừa thóc, cấy dầy thì cóc được ăn”.

Sức sống của cây lúa cũng thật mãnh liệt. Ngày đầu, dảnh mạ cắm xuống bùn còn ngả nghiêng, xiêu vẹo. Thế mà, chỉ vài ba hôm, lúa đã “đâm” rễ mới, bà con thường gọi lúa đã “bén chân” hoặc “đứng chân”. Những ngày sau Tết, thời tiết còn giá lạnh, cây lúa mới cấy yếu ớt, mảnh mai, run rẩy trước gió. Nhưng sang tháng 2 âm lịch, thời tiết ấm dần lên, lúa sinh sôi, đẻ nhánh rất nhanh. Nhánh con, nhánh cái thi nhau mọc ra thành những khóm lúa to chật đất, rì rào “nói chuyện” trong gió, khắp cánh đồng ngợp một màu xanh non mơn mởn. Dáng cây thon thả, lá lúa mềm mại uyển chuyển đan quyện vào nhau đầy sức sống, gợi lên nét tươi trẻ, xinh xắn, dịu dàng.

Các cụ xưa kia rất tài tình khi đúc kết ra kinh nghiệm: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Qua giai đoạn đẻ nhánh, lúa  chuyển sang “thì còn gái”, lá vươn cao yểu điệu, duyên dáng như hàng ngàn cánh tay đùa giỡn với gió. Gặp hôm nào trời quang mây tạnh, nắng vàng rực rỡ, đứng đầu làng nhìn ra cánh đồng chỉ thấy một màu xanh ngát, đẹp tựa bức tranh. Hết thời kỳ xuân xanh, lúa chuyển sang giai đoạn “tròn mình”, “đứng cái” rồi ôm đòng, trỗ bông. Thời điểm cây lúa trỗ bông, hoa lúa nở cũng là thời khắc diệu kỳ nhất.

Trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm có những phát hiện về cây lúa và giải thích bằng triết lý âm dương rất độc đáo, thú vị. Ông cho rằng: “Bản thân cây lúa cũng là một loại thực vật đặc biệt: gốc ngâm mình trong nước lạnh (âm) và ngọn tắm trong nắng nóng (dương). Đến độ nảy bông thì hoa lúa chỉ phơi màu vào giờ Ngọ (giữa trưa, lúa dương khí thịnh) và giờ Tý (nửa đêm lúc âm khí thịnh) để hấp thụ đủ khí âm dương của đất trời mà biến thành hạt lúa”. Hoa lúa chưa bao giờ được coi là thứ hoa để thưởng lãm thực sự nhưng lúc nào nó cũng ung dung, tươi tắn đến lạ kỳ, tinh khôi trắng trong, e ấp kín đáo dịu dàng như thiếu nữ. Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình của tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân, cả lá, sự hòa điệu với đất trời với nhân sinh.

Đi trong hương lúa, giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, nhìn bàn tay thô ráp của người nông dân nâng niu những bông hoa lúa trắng ngần tôi có cảm giác như đời lúa lặn vào đời người và đời người lại chan hòa gửi gắm vào đời lúa. Rồi mai đây, lúa không phụ công người, khi hoa hút đủ tinh túy của trời đất ra hạt sữa tới làm mẩy, cả cánh đồng trải thảm chuyển màu vàng óng cho một mùa vụ bội thu.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa