Thứ 7, 23/11/2024, 10:23[GMT+7]

Sức sống của nghệ thuật chèo truyền thống trong xã hội đương đại Kỳ 3: Nghệ thuật chèo truyền thống tạo sức bật cho du lịch cộng đồng (Tiếp theo và hết)

Thứ 3, 04/06/2024 | 21:58:29
38,623 lượt xem
Khai thác nghệ thuật chèo truyền thống từ khía cạnh du lịch nhằm quảng bá tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đồng thời đem lại nguồn thu cho cộng đồng tiếp tục gìn giữ, bảo tồn di sản là mục tiêu hướng tới của mô hình biểu diễn chèo phục vụ du lịch vừa được Trung tâm Văn hóa tỉnh ra mắt tại làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng). Đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với mong muốn nghệ thuật chèo sẽ tạo sức bật cho ngành “công nghiệp không khói”.

Các nghệ nhân làng chèo tham gia biểu diễn phục vụ du lịch.

Nỗ lực xây dựng sản phẩm mới

Vẫn là những buổi biểu diễn quen thuộc của nghệ nhân làng chèo tại sân khấu quê hương nhưng với mô hình biểu diễn chèo phục vụ du lịch, đan xen giữa những lời ca, tiếng hát, trích đoạn chèo cổ là màn giao lưu thú vị của nghệ nhân cùng du khách ngay trên sân khấu. Tiếng cười rộn rã của du khách, nghệ nhân và khán giả ở những phần tranh tài tập múa, hát chèo, tập sử dụng nhạc cụ dân tộc đã kéo gần khoảng cách giữa những người xa lạ trong không gian nghệ thuật truyền thống.

Tham gia trải nghiệm đánh trống chèo, chị Tạ Thị Hiền, một du khách hào hứng cho biết: Trước đây mình vẫn nghe câu “phi trống bất thành chèo” và cũng được biết, đối với chèo hiện đại, ngoài trống còn có các loại nhạc cụ khác làm phong phú thêm phần đệm như đàn tam thập lục, tiêu... Mình cũng có chút am hiểu về chèo nhưng quả thực khi trực tiếp được đứng cùng sân khấu với các nghệ nhân, ghi nhớ cách đánh trống để thực hành lại và nghe chia sẻ của nghệ nhân, mình mới hiểu hơn về âm thanh của tiếng trống chèo, vai trò quan trọng đặc biệt của tiếng trống đối với nghệ thuật chèo làng Khuốc. Mình thấy tiếng trống chèo rất hay, là đặc sắc của nghệ thuật chèo.

Còn anh Đỗ Văn Nhân, một du khách xung phong thử sức trong phần giao lưu tập múa chèo chia sẻ: Tôi đã xem biểu diễn chèo nhiều lần, thường thấy các bà, các cô sử dụng chiếc quạt trong đa số điệu múa nên nghĩ rằng đạo cụ này nhẹ và dễ sử dụng. Thế nhưng, khi được nghệ nhân hướng dẫn cách cầm quạt, xoay người uyển chuyển, tôi nhận ra chắc hẳn để có thể biểu diễn, các nghệ nhân đã có quá trình tập luyện rất công phu mới ghi nhớ nhiều động tác như thế, rất khâm phục ông cha mình sáng tạo ra những điệu múa trong nghệ thuật chèo.

Không chỉ du khách mà ngay cả những người dân làng Khuốc đã xem biểu diễn, thậm chí trực tiếp tập luyện múa hát chèo cũng cảm thấy như được hiểu hơn, yêu thích và say mê nghệ thuật chèo truyền thống hơn sau khi trải nghiệm buổi biểu diễn chèo phục vụ du lịch.

Ông Hà Quang Cường, Bí thư Đảng ủy xã Phong Châu chia sẻ: Phong Châu là xã nội đồng, thuần nông, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ước mong của người dân Phong Châu là nghệ thuật chèo làng Khuốc luôn được bảo tồn, đến với người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đồng thời, mong muốn làng Khuốc sẽ là địa chỉ trong các tour du lịch, điểm dừng chân của du khách khi đến với quê lúa Thái Bình. Để thực hiện được điều này, người dân Phong Châu mong mỏi các cấp chính quyền, các ngành chức năng nỗ lực phối hợp với địa phương để bảo tồn và phát triển chèo Khuốc, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Hướng tới sự chuyên nghiệp 

Theo chia sẻ của các nghệ nhân làng chèo Khuốc, CLB chèo thường xuyên được đón tiếp, biểu diễn phục vụ du khách tại chiếng chèo, nhà thờ tổ chèo của làng. Đa phần đó là những chương trình biểu diễn theo nhu cầu cụ thể của đoàn khách tham quan. 

NNND Bùi Văn Ro chia sẻ: Năm 2023, được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Đông Hưng, các nghệ nhân làng chèo được tập huấn về du lịch cộng đồng, được biết cách xử lý tình huống khi đón tiếp du khách, được phổ biến một số đặc điểm về tâm lý khách du lịch theo thị trường, giới tính, lứa tuổi... Tuy nhiên, việc đón tiếp khách du lịch phần nhiều dựa trên kinh nghiệm của bản thân mỗi nghệ nhân, có những người nhiều kinh nghiệm trong việc giới thiệu về làng chèo cổ, lại có người chia sẻ về quá trình thực hành di sản của bản thân. Các tiết mục biểu diễn cũng tùy theo yêu cầu của du khách, có thể một trích đoạn, một vài bài hát múa chèo, cũng có khi cả vở chèo cổ... 

Hướng tới sự chuyên nghiệp trong hoạt động đón tiếp của nghệ nhân và tăng thêm trải nghiệm cho du khách, mô hình biểu diễn chèo phục vụ du lịch được biên tập, dàn dựng, chuẩn bị lực lượng tham gia theo lịch trình cụ thể với thời gian biểu diễn phù hợp chuỗi hoạt động trong tour du lịch trải nghiệm của du khách. 

Nghệ nhân làng chèo hướng dẫn du khách nhí trải nghiệm cách cầm quạt, múa chèo. 

Ông Lê Tiến Lượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật chèo góp phần phát triển du lịch tỉnh Thái Bình” chia sẻ: Mô hình biểu diễn nghệ thuật chèo phục vụ du lịch là một trong những sản phẩm của đề tài; ngoài ra, còn có kịch bản hướng dẫn du lịch cộng đồng, những bài hát chèo phục vụ du lịch, đĩa CD, DVD giới thiệu tác phẩm nghệ thuật chèo đặc sắc của tỉnh, các chuyên mục giới thiệu nghệ thuật chèo trên nền tảng số bao gồm thông tin chính xác, khoa học và những tiết mục nghệ thuật hấp dẫn. 

Cũng theo ông Lê Tiến Lượng, trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã chú trọng phát triển du lịch văn hóa bên cạnh phát triển du lịch tự nhiên. Thực tiễn đã chứng minh, việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Những năm qua, du lịch Thái Bình mặc dù đã có những bước phát triển song vẫn còn hạn chế, chưa khai thác, phát huy được nhiều tiềm năng, lợi thế, trong đó có tiềm năng là các giá trị văn hóa. Vì vậy, việc khai thác, phát huy giá trị nghệ thuật chèo nói riêng và các tài nguyên du lịch văn hóa nói chung để xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường du lịch trong và ngoài nước là hết sức cần thiết. Ở chiều ngược lại, khi du lịch phát triển sẽ góp phần bảo tồn, phát huy mạnh mẽ giá trị nghệ thuật chèo cùng các giá trị di sản văn hóa khác của quê hương. 

Xác định rõ tiềm năng phát triển du lịch từ phát huy nghệ thuật chèo truyền thống, nhiều nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã được đưa ra với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/ TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ “Chú trọng xây dựng các thương hiệu sản phẩm mang dấu ấn văn hóa Thái Bình để phục vụ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội”; Quyết định số 3562/QĐ-UBND, ngày 29/12/2017 của UBND tỉnh nêu quan điểm “Phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng các sản phẩm đặc trưng, khai thác các lợi thế về truyền thống văn hóa, đặc điểm sinh thái địa phương”; Quyết định số 1878/ QĐ-UBND, ngày 24/8/2022 của UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch theo tuyến đường bộ từ Đền thờ Bác Hồ (thành phố Thái Bình) đến chiếng chèo làng Khuốc (Đông Hưng), từ chiếng chèo làng Khuốc đến Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần, khu vực đền Tiên La, đền Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (Hưng Hà), đền Đồng Bằng, đền A Sào (Quỳnh Phụ)...”; Quyết định số 484/ QĐ-UBND, ngày 4/3/2022 của UBND tỉnh đưa ra giải pháp “Phục dựng chiếng chèo cổ làng Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng), chèo cổ Hà Xá (xã Tân Lễ, Hưng Hà) và chèo cổ Sáo Đền (xã Song An, Vũ Thư) trở thành địa chỉ du lịch trải nghiệm văn hóa phục vụ phát triển du lịch của tỉnh”. Tin tưởng nghệ thuật chèo truyền thống khi được nghiên cứu, khai thác đúng hướng dành cho phát triển du lịch sẽ tạo đà bứt phá mạnh mẽ, góp phần quảng bá mảnh đất, con người Thái Bình với du khách trong nước và quốc tế. 

 

Tú Anh