Thứ 7, 23/11/2024, 14:01[GMT+7]

Thăm chùa Tống Khê trong ngày mùa thu tháng Tám

Chủ nhật, 01/09/2013 | 10:14:18
3,641 lượt xem
Trong những ngày mùa thu cách mạng đầy ý nghĩa này tôi lại có dịp gặp gỡ các lão thành cách mạng trên 60 năm tuổi Đảng ở thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng. Nơi đây là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Đông Hưng.

Chùa Thiên Phú, thôn Tống Khê (xã Đông Hoàng, Đông Hưng), cơ sở cách mạng tiền khởi nghĩa.

Nơi để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi vẫn là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm 1940-1945, đó chính là chùa Tống Khê hay còn gọi là chùa Thiên Phú. Chùa được xây dựng từ thời Trần, thờ Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa. Chùa nằm ở giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư và quốc lộ 218 khoảng 1.500 m.

Theo lời kể của cụ Phạm Văn Khuể, 90 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng thì chùa Thiên Phú là cơ sở hội họp, tuyên truyền, tổ chức chuẩn bị tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời cũng là nơi hoạt động bí mật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa năm 1995. Chùa Thiên Phú được chọn là cơ sở hoạt động cách mạng vì nơi đây rất tiện cho việc liên lạc giữa các vùng miền liên tỉnh trong Quân Khu 3, giữa các huyện thị trong tỉnh Thái Bình.

Chỉ cần vượt qua đò Tìm sông Trà Lý là sang cơ sở của Đảng ở vùng Kiến Xương, Tiền Hải, vượt qua đò Hộ (Cát Đàm) là sang đất Thư Trì, Vũ Tiên. Còn các huyện Tiên Duyên Hưng, Đông Quan, Thụy Anh, Thái Ninh và Quỳnh Côi, Phụ Dực lại càng thuận lợi cho việc liên lạc và chỉ đạo phong trào cách mạng. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, cơ sở này là đầu mối chỉ đạo cho các tổng huyện chuẩn bị lực lượng mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh và chính quyền lâm thời. Đây cũng là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn, khẩu hiệu phân phát cho các đơn vị, đồng thời bố trí lực lượng tiến vào các phủ, huyện.

Chùa Tống Khê có 5 gian hậu cung thờ Phật, còn lưu giữ nhiều câu đối đại tự thời nhà Trần. Năm gian ngoài rất rộng, đó là nơi hội họp của cơ sở Đảng thời kỳ bí mật. Ông Phạm Văn Nhượng, Trưởng ban di tích cho biết: cơ sở này trước đây có nhiều đồng chí hoạt động như ông Nhâm Hồng Long, ông Nhâm Đạo Rụy – Bí thư Đông Quan cũ, bà Định, ông Vũ Văn Bính nguyên Phó Chủ tịch tỉnh và nhiều các đồng chí lãnh đạo khác. Theo lời kể của cụ Vũ Văn Chăm – 90 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng ở thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng thì nơi này cũng là nơi đồng chí Đỗ Mười (Nguyên Tổng Bí thư Đảng ta) thời kỳ đó làm Bí thư khu ủy Quân khu 3 về giảng chính trị.

Bài, ảnh: Bùi Minh Khang
(Đông Dương - Đông Hưng)


  • Từ khóa