Chủ nhật, 10/11/2024, 05:41[GMT+7]

Nghệ thuật chèo với xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:29:09
4,392 lượt xem
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, nghệ thuật chèo đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân thông qua các vở diễn, các hoạt cảnh và làn điệu chèo. Nhờ đặc điểm đa dạng, mang tính dân gian, dân giã đời thường, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người nên việc khai thác thế mạnh của nghệ thuật hát chèo, múa chèo, diễn chèo có nhiều thuận lợi để tuyên truyền góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Một cảnh trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính (Nhà hát chèo Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Tỉnh ta hiện có 286 nhà văn hóa (NVH) xã, phường, thị trấn và 1.366 NVH thôn, làng, tổ dân phố được thành lập với 1.574 đội nhóm văn nghệ, gần 3.000 CLB. Hàng năm, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm VH-TT các huyện, thành phố mở lớp múa hát chèo cho các tầng lớp nhân dân vào dịp nông nhàn, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia; mở các lớp tập huấn tác giả, đạo diễn, biên đạo ở cơ sở tập trung vào chủ đề chính là tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.

 

Qua thời gian tập huấn và nắm bắt thực tiễn về xây dựng nông thôn mới ở địa phương, các tác giả đã sáng tác và dàn dựng được một số hoạt cảnh chèo với nội dung tuyên truyền 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Việc vận dụng các làn điệu chèo như: Vỡ nước, Sắp thường, Sắp cổ phong, Sắp đan lồng, Sẩm xoan, Chèo đò, Lới lơ, Tứ quý, Luyện năm cung… để chuyển tải các thông điệp về văn hóa, xã hội tới người dân một cách nhanh nhạy kịp thời.

 

Năm 2011, Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã in 100 đĩa CD và 100 cuốn sách chèo phát hành xuống cơ sở. Tiêu biểu như Ðội Thông tin lưu động (TTLÐ) Quỳnh Phụ đã dàn dựng và đi biểu diễn phục vụ nhân dân 3 hoạt cảnh chèo “Ðồng thuận I”, “Ðồng thuận II” và “Ðồng thuận III” tuyên truyền về dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, hiến đất, hiến tài sản, chung sức mở rộng đường làng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Ðội TTLÐ Vũ Thư đã dàn dựng hoạt cảnh chèo “Tiếng gọi đồng xanh” tuyên truyền cho việc dồn điền đổi thửa, cứng hóa kênh mương, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

 

Thái Bình là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo, nhân dân yêu chèo, thích nghe và hát diễn chèo. Hiện nay, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức chèo theo lối tự biên tự diễn trong từng cộng đồng, khu dân cư trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng. Vì vậy, nghệ thuật chèo đã trở thành một phương tiện tuyên truyền, đưa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Các ca cảnh, hoạt cảnh, ca khúc chèo có nội dung phản ánh sát thực quá trình xây dựng nông thôn mới, những thuận lợi, khó khăn đang diễn ra tại cơ sở, phê phán những tư tưởng bảo thủ, ỷ nại, trông chờ vào Nhà nước, đồng thời góp phần nêu gương người tốt, việc tốt, động viên nhân dân phấn khởi hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Vũ Thị Toan

(Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh)

 

  • Từ khóa