Thứ 7, 23/11/2024, 14:13[GMT+7]

Đền Ðồng Bằng và tục hầu bóng hát văn

Thứ 2, 23/09/2013 | 09:10:48
6,637 lượt xem
Nếu như tục hầu bóng, hát văn là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, thì đền Ðồng Bằng ở Thái Bình là một địa chỉ quan trọng và cần sớm được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Khai hội đền Đồng Bằng. Ảnh: Minh Đức

 

Tâm thức hội hè truyền thống của Việt Namon> là “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Ðền Phủ Giày (Nam Ðịnh) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh mở hội vào tháng ba và đền Ðồng Bằng (Thái Bình) thờ vua cha Bát Hải Ðộng Ðình mở hội vào tháng tám. Từ bao đời nay, Phủ Giày và đền Ðồng Bằng đã trở thành hai trung tâm hầu bóng, hát văn nổi tiếng của vùng châu thổ Bắc Bộ có sức cuốn hút mạnh mẽ các luồng du khách ở nhiều vùng miền cả nước.

 

Làng Ðồng Bằng nằm kề quốc lộ 10, trải dài 2km, rộng 1km, cách Thành phố Thái Bình 20km, cách Thành phố Hải Phòng 60km. Thuở xưa, làng này còn có tên là Ðào Ðộng, nay thuộc xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Ðịa danh Ðào Ðộng từng đã đi vào câu phương ngôn: “Ðào Ðộng, Lộng Khê, Tô Ðê, A Sào, Phụ Phượng tứ cố cảnh” hoặc “Ðào Ðộng, Lộng Khê, Tô Ðê, A Sào, Lý triều tứ cố cảnh”.

 

Ðền Ðồng Bằng còn tên gọi là đền Vua Cha Bát Hải hoặc đền Ðức Vua Cha Bát Hải Ðộng Ðình. So với các di tích kiến trúc cổ hiện còn ở Thái Bình thì đền Ðồng Bằng có quy mô kiến trúc nghệ thuật lớn vào bậc nhất. Từ thời Lý đã được xếp vào “tứ cố cảnh” của huyện Phụ Phượng (sau đổi là Phụ Dực). Ðến thời Trần, quan  Ðiện tiền chỉ huy sứ Phạm Ngũ Lão đã vào viếng thăm và có thơ đề vịnh. Hiện nay, tại đền Ðồng Bằng còn lưu giữ được bức cuốn thư ở tòa đệ nhị có niên đại Nguyễn, khắc bài thơ tương truyền là của Phạm Ngũ Lão:

 

Xuân nhật tảo du hoa ảnh mộng,

Thu phong viễn tống hạc thanh lai.

Lưu quang điện hạ thiên tòng thụ,

Quả thị thần tiên nhất thủ tai!

 

Tạm dịch là:

Xuân sớm lung linh rợp trời hoa,

Hạc về đưa tiễn gió thu xa.

Dưới bóng trời cây, đền rực rỡ,

Ðáng chốn thần tiên nhất nước nhà.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đền Ðông Bằng là trung tâm trong quần thể kiến trúc gồm nhiều thiết chế tín ngưỡng như đền Công Ðồng, đình Sinh (có tên nôm là đình Rất) thờ thân mẫu của Ðức Vua Bát Hải, đền Bát, đền quan lớn Tam phủ, đền thờ ông Hoàng Bơ, đền thờ quan Ðiều Thất, Miếu Giáp Lục...

 

Ðền Ðồng Bằng tọa lạc trên một cồn cát cao, khuôn viên 6.574m2, quay mặt về hướng tây. Phía trước đền có sông Ðào Ðộng, sau là gò He, Ðồng Hưng, Voi Phục. Bên phải đền là Ðầm Bà. Các nhà phong thủy khen đây là nơi có “mạch địa” tốt. Quần thể di tích của đền gồm 8 công trình chính gồm 13 tòa tổng cộng 66 gian. Tòa nghi môn của đền Ðồng Bằng uy nghi lộng lẫy vào hàng nhất nhì so với các đền ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

 

Hoạt động tín ngưỡng tại đền Đồng Bằng. Ảnh: Ngọc Linh

 

Vị thần được thờ ở đền Ðồng Bằng, theo bản thần tích còn lưu tại đền thì đó là vị thủy thần tôn hiệu là Bát Hải đại vương, tên húy là Vĩnh. Ðền Ðồng Bằng còn thờ Ðức Thánh Trần và mở hội vào 20/8 hàng năm cho nên tâm thức “tháng tám giỗ cha” của người dân trong vùng vẫn thường được hiểu theo cả hai khái niệm vừa là giỗ đức Vua Cha Bát Hải Ðộng Ðình vừa là giỗ đức Thánh Trần Hưng Ðạo.

 

Xưa và nay, hội đền Ðồng Bằng là một hội lớn có sức thu hút du khách từ nhiều vùng miền đổ về. Du khách thường trảy hội đền Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) vào ngày 20/8 rồi xuôi dòng đổ về trảy hội đền Ðồng Bằng ở Thái Bình từ ngày 20 – 26/8 (âm lịch) với lời hẹn ước:

 

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Hai mươi tháng tám nhớ về Ðào thôn.

 

Vì là một hội lớn trong vùng nên hội đền Ðồng Bằng thường hội tụ các hình thức đua tài, thi khéo và các hình thức diễn xướng dân gian như: hát văn, hát chèo, thi kéo co, thi bơi trải, thi đấu vật, đấu kiếm, đấu gậy, thi chọi gà, cờ tướng... thu hút rất đông người từ nhiều vùng miền về tham gia.

 

Ngày nay, trong tâm thức của một bộ phận cư dân "sành trảy hội" trong cả nước, khi nhắc đến đền Ðồng Bằng thường nghĩ ngay đến "đệ nhất linh từ" thỏa sức thể hiện các nghi lễ hầu bóng hát văn.

 

Các ban thờ (cung thờ) ở đền Ðồng Bằng được bài trí, sắp xếp đủ để đáp ứng cho các dạng người theo hầu đồng kể trên và lực lượng cung văn cũng luôn có khả năng phục vụ 36 giá theo yêu cầu nên không chỉ vào những ngày hội hay ngày tuần, ngày tết mà quanh năm suốt tháng thường thu hút rất đông những con nhang, đệ tử thập phương về chầu.

 

Hát văn là cách gọi mang tính phổ biến, còn dân làng Ðồng Bằng thường gọi là hát chầu văn hay hát bóng. Ðây là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam mang đậm tính tâm linh trong cả lời ca và giai điệu, là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng Việt Nam. Thuở trước, hát văn thường được diễn ra trong các không gian thiêng dưới ba hình thức cơ bản là hát thi, hát thờ và hát hầu bóng. Tục hát văn của làng Ðồng Bằng thường được diễn ra dưới cả ba hình thức trên đây nhưng phổ biến nhất vẫn là hát hầu bóng.

 

Làng Ðồng Bằng vốn từ xa xưa là một làng chèo. Các nghệ nhân hát văn của làng này vốn là những người rất sành về nghệ thuật đàn hát chèo cổ, lối hát văn của Ðồng Bằng ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật chèo với các kiểu xuyên tâm, lơi nhịp, đảo phách, bẻ làn, nắn điệu. Nếu cái hay của nghệ thuật hát chèo là cái độ vang, rền, nền, nẩy của từng người hát thì nghệ thuật nẩy, rung, nhấn trong lối hát văn theo tài năng riêng của mỗi nghệ nhân hát văn ở Ðồng Bằng từng đã tạo được lối diễn xướng tinh tế, thanh tao mà sôi động là dễ nhận ra.

 

Bước đầu tìm hiểu văn bản lời ca hát văn ở hội đền Ðồng Bằng chúng tôi thấy có một số văn bản có lẽ là của riêng ở Ðồng Bằng vì ngoài những lời ca phổ biến ở Phủ Giày thờ mẫu, ở Kiếp Bạc thờ Ðức Thánh Trần và các đền phủ khác trong Nam ngoài Bắc thì ở Ðồng Bằng còn có những bài Tam vị Ðức vua, Ðức vua đệ nhất... đây là những bài trực tiếp ca tụng hành trạng, công đức của các vị thần được thờ tại đền. Những bài này có sắc thái riêng kể cả lời ca và giai điệu, khó pha trộn với các bài hát văn ở nơi khác. Ví dụ như một đoạn trong bài Ðức Vua đệ nhất:

Chốn đền đài Ðức Vua xây dựng

Sắc tặng phong thượng đẳng hầu lai

Tuyết trăng tuần tháng tám đôi mươi,

Trải qua xem rạng, trai bơi thi tài

hoặc:

Dạo hò reo dưới sông lừng lẫy

Trên đền thờ lễ bái nghiêm trang…

Chốn phàm trần dễ đố mấy đâu hơn

Thơm danh nức tiếng cửa đền Ðức Vua cha…

hoặc:

Ðức Vua đệ nhất bẩm sinh Ðào Ðộng,

Từng xiết bao khí chất cảnh thanh.

Oai phong dậy khắp thiên đình

Làm mưa làm gió phá thành lấp sông...

 

Ngoài ra nhiều lớp nghệ nhân hát văn ở làng Ðồng Bằng còn có lối hát mang những sắc thái riêng với lối phú nói và lối hát xá với các lối hát xá thượng, xá bằng, xá lệch, xá bắc, xá nam… Ví dụ một đoạn hát xá bằng trong văn hát Chúa Thác Bờ đã được mỗi nghệ nhân hát văn làng Ðồng Bằng tạo được lối hát riêng để tạo ra từng cung bậc xốn xang, quyến luyến:

 

Xinh xinh để liễu thẫn thờ,

Người xinh nên cảnh Thác Bờ thêm xinh.

Thú hữu tình dạo chơi các ngả,

Bước ngao du trên đỉnh non cao...

 

Những năm gần đây, tục hầu bóng ở nhiều hội đền cả nước đang có xu thế ngày càng phồn thịnh. Theo quy luật cung cầu, nghề cung văn ở làng Ðồng Bằng lại thêm sôi động. Lớp nghệ nhân cao tuổi ở Ðồng Bằng lại được trân trọng hơn khi truyền nghề cho các thế hệ con cháu. Có người hát văn ngay tại đền nhà, có người được mời theo những giá đồng lớn ở tỉnh ngoài. Ðiều đáng lưu tâm là nhiều ông đồng, bà đồng có danh tiếng thường chỉ ưa thích các văn hát lên đồng ở các đền phủ thờ Mẫu, thờ Ðức Thánh Trần. Ngay cả khi đến chầu ở đền Ðồng Bằng họ cũng thường mời đặt các cung văn ở đây hát để phục vụ những giá theo sở cầu của họ nên những cung văn ở Ðồng Bằng phải chú tâm miệt mài luyện những bài hát văn cốt sao để phục vụ theo yêu cầu của nhiều đối tượng hầu bóng.

 

Hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghi lễ lên đồng, mà còn được coi như một loại hình ca múa nhạc dân gian như một số người đã cho rằng hát văn đã từ chốn thiêng bước ra cõi tục. Nhiều nhà hát trong cả nước đã dựng những giá đồng có tốp múa phụ họa để biểu diễn trên sân khấu hiện đại, dưới ánh đèn màu lung linh, huyền ảo ở cả trong và ngoài nước. Ở nhiều làng quê, với chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng thường có hát văn. Ðương nhiên, điều dễ nhận thấy là đối với những nghệ nhân hát văn chuyên hành nghề cung văn khi bước từ chốn thiêng ra cõi tục để thi tài trên sân khấu thì cũng văn hát ấy, cũng dàn nhạc ấy nhưng sự hóa thân trong từng lối hát dường như đã phôi phai khá nhiều. Ngay cả với những tay đàn, tay trống giỏi trong dàn nhạc từng đi phục vụ hát văn lên đồng khi chơi trên sân khấu cũng không còn thấy sự đắm đuối, mê man như khi chơi đàn ở chốn thiêng. Có lẽ, đó là điều tinh túy, là sự khác biệt giữa nghệ thuật hát văn là một loại hình nhạc lễ trong nghi lễ hầu bóng với nghệ thuật hát văn là một loại hình nghệ thuật diễn xướng ở cõi tục.

 

Nếu như tục hầu bóng, hát văn là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, thì đền Ðồng Bằng ở Thái Bình là một địa chỉ quan trọng và cần sớm được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Nguyễn Thanh

(Thôn 4, Vũ Quý, Kiến Xương)

 

  • Từ khóa