Chủ nhật, 17/11/2024, 03:48[GMT+7]

Hưng Hà: Xây dựng đời sống văn hóa

Thứ 2, 05/08/2019 | 10:43:37
3,705 lượt xem
Những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hưng Hà đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ các xã, thị trấn và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện toàn diện các cuộc vận động, trong đó trọng tâm hướng vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Diện mạo xanh, sạch của xã Chí Hòa (Hưng Hà).

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Với nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; với truyền thống lịch sử văn hóa, văn hiến của vùng đất và con người Hưng Hà, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu ban hành Nghị quyết số 218 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về giáo dục, phát huy truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời, xây dựng chương trình hành động, tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng ở các cấp. Theo đó, ban thường trực ủy ban MTTQ các xã, thị trấn đã phối hợp với chính quyền hướng dẫn các ban công tác mặt trận xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa quy ước, hương ước khu dân cư; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tôn nghiêm nơi thờ tự, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. 

Thông qua công tác tuyên truyền của mặt trận, ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng được nâng cao. Các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của người dân được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu được hạn chế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội,  bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Hầu hết các đám cưới đều được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; các nghi thức hôn lễ được tổ chức văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng địa phương và phù hợp hoàn cảnh gia đình; đúng pháp luật, không phô trương, hình thức; các nghi lễ trước, trong và sau khi tiến hành đám cưới đã đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm (như dạm ngõ, lễ ăn hỏi thường được lồng ghép trước ngày cưới). Hiện tượng làm cỗ to, mời đông khách ăn uống linh đình, dài ngày, mời thuốc lá... đã giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn huyện những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Các đám tang đều được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật và của địa phương; các hủ tục mê tín, lạc hậu trong tổ chức tang lễ đã giảm hẳn; không để người chết trong nhà quá 48 tiếng; không tổ chức khóc thuê; không làm cỗ mời khách đến viếng và đưa tang; các tuần tiết như 49 ngày, 100 ngày chỉ tổ chức gọn nhẹ con cháu trong nhà...; việc hỏa táng đang có xu thế phát triển thay thế cho an táng truyền thống.

Việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 5 năm qua, toàn huyện có 1.125 lượt khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Năm 2018, toàn huyện có 233/266 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa (đạt 87,6%), tăng 13,9% so với năm 2014; có 91,3% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 10,9% so với năm 2014.

Cũng trong nhiệm kỳ qua, việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn huyện đều thực hiện khá chu đáo, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không phô trương, hình thức; có thành lập ban tổ chức lễ hội, quy định thời gian, địa điểm, nội dung tổ chức lễ hội... Chú trọng công tác giáo dục truyền thống quê hương, đất nước thông qua việc tổ chức lễ hội; không có hiện tượng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương; đã có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian tại lễ hội đền Trần Thái Bình được phục dựng như: lễ giao chạ, thi cỗ cá, thi nấu cơm, thi pháo đất, kéo co... đã tạo không khí vui tươi, lành mạnh, đoàn kết trong cộng đồng.

Cũng theo chia sẻ của ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại một số địa phương trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: tình trạng cưới và đón dâu 2 lần đang có chiều hướng tăng; cá biệt vẫn còn có thôn làng chưa bỏ được việc ăn uống gây lãng phí trong đám tang; tình trạng ô nhiễm môi trường, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của các hộ kinh doanh vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Thời gian tới, MTTQ huyện sẽ đôn đốc, chỉ đạo MTTQ các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh làm nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Đào Quyên

  • Từ khóa

Quang Hop - 5 năm trước

Lếp sống văn hóa của dân thì có còn còn cán bộ trên bảo dưới không nghe cũng có nhiều ví dụ xã hòa tiến cán bộ thôn phan và xã hòa tiến vẫn cho xây 1 cái hố rác tụ phát ở ngần thôn làm ảnh hưởng đến môi trường của nhân dân mơi báo về dúp dân cảm ơn nhiều

Tải thêm