Chủ nhật, 17/11/2024, 01:59[GMT+7]

Giữ gìn, phát huy những giá trị độc đáo trong lễ hội chùa Keo

Thứ 2, 07/10/2019 | 09:06:06
5,490 lượt xem
Năm 2017, lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, việc bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, nét đặc trưng của lễ hội ngày càng được quan tâm hơn, góp phần làm cho những giá trị độc đáo của lễ hội sống mãi với thời gian.

Du thuyền hát hội tại chùa Keo.

Trong lễ hội chùa Keo, nổi bật ở phần lễ là nghi lễ rước kiệu Đức thánh. Nghi lễ này được tổ chức 3 năm một lần. Đây là nghi lễ được tổ chức kỳ công, hoành tráng nhất trong các lễ hội của vùng châu thổ Bắc Bộ nhằm tái hiện lại cuộc kinh lý của Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và các sự lệ diễn tả lại cuộc đời của ngài. Vì thế, việc chuẩn bị cho nghi lễ luôn được thực hiện công phu, chu đáo. 

Ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban Khánh tiết chùa Keo cho biết: Trong lễ hội thu năm nay có tổ chức lễ rước kiệu Đức thánh. Vì thế, để chuẩn bị cho hoạt động này, Ban tổ chức đã họp làng từ ngày 10/8 âm lịch. Lễ rước kiệu năm nay có sự tham gia của 479 người với 16 tổ, đội gồm các thành phần: ban khánh tiết, các cụ tùy giá, các cụ áo vàng, các anh trai kiệu, tổ thu nhang, tổng cờ, cờ tiền, cờ hậu, chiêng trống, các cháu bơi trải hồ, các cụ trong hội tạp phúc, đoàn tế các thôn... Mỗi tổ, đội đều có tổ trưởng, đây là người tham gia lễ rước nhiều năm, nhớ được các động tác trong nghi lễ. Các tổ, đội đã gấp rút tập luyện để tổng duyệt vào ngày 12/9 âm lịch. Nghi lễ rước kiệu Đức thánh được giữ nguyên bản từ nhiều năm chỉ có khác là trang phục mới, đẹp hơn, tà lọng, thuyền chèo được sơn lại. Lễ rước được tổ chức từ ngày 13 - 15/9 âm lịch. Đoàn rước đi theo thứ tự: tiểu đĩnh, thuyền rồng, long đình, kiệu thánh. Kiệu thánh chỉ xuất hiện vào ngày 14 và 15/9 âm lịch. Buổi sáng rước kiệu từ đền Thánh ra Tam quan ngoại, buổi chiều rước từ Tam quan ngoại vào đền Thánh. Trong khi rước kiệu trên bờ, các cháu tiểu đồng bơi dưới hồ.

Để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngoài các nghi thức tế lễ, trong lễ hội chùa Keo giữ được các trò chơi dân gian theo tục lệ lễ hội cổ như: hát văn, hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng, leo cầu ngô, bắt vịt, đập niêu, kéo co. Ở hội thu năm nay, đặc sắc vẫn là phần thi têm trầu cánh phượng. Đội thi têm trầu đến từ nhiều xã trong huyện. Để tham gia dự thi, các đội phải chuẩn bị nguyên liệu chu đáo và tập têm trầu. Dưới đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị, miếng trầu têm vừa mang vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau vừa có vị nồng nàn của vôi. 

Bà Lưu Thị Khuyến, thành viên đội thi têm trầu xã Duy Nhất chia sẻ: Nhiều năm tham gia hội thi têm trầu cánh phượng, tôi rất vinh dự và tự hào khi được cùng các thành viên trong đội góp một phần nhỏ để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này. Năm nào tham gia thi, đội của chúng tôi cũng được giải. Chuẩn bị cho hội thi năm nay, các thành viên trong đội đã tổ chức tập têm trầu với mong muốn mang đến hội thi những khay trầu đẹp, thể hiện sự khéo léo, tinh tế nhất.

Kéo lửa thổi cơm - một trong những trò chơi độc đáo được lưu giữ tại lễ hội chùa Keo.

Giữ gìn, bảo lưu và phát huy nét đẹp của phần hội, trong lễ hội thu, các trò chơi dân gian và chương trình biểu diễn nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Vũ Thư phụ trách. Các trò chơi dân gian được tổ chức đan xen cùng các nghi thức tế lễ trong những ngày diễn ra lễ hội, bảo đảm tính truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. 

Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo, Phó Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Để du khách, tín đồ Phật tử và nhân dân đến tham quan hiểu hơn về giá trị văn hóa trong lễ hội chùa Keo đồng thời thực hiện nếp sống văn minh của người tham gia lễ hội, Ban tổ chức sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn. Bên cạnh đó, thống nhất với Ban khánh tiết tổ chức các nghi thức sao cho trang trọng, bảo đảm tính truyền thống, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và các quy định của ngành văn hóa. Các trò chơi dân gian trong lễ hội cũng phải được tổ chức sao cho đúng bản sắc văn hóa, gắn với hoạt động tưởng nhớ tới Đức thánh Dương Không Lộ. Điểm mới trong lễ hội năm nay là chương trình liên hoan văn nghệ do các câu lạc bộ xuất sắc trong huyện biểu diễn. Lễ hội thu chùa Keo đã sẵn sàng đón du khách về tham dự để khám phá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán truyền thống và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Hoàng Lanh 

  • Từ khóa